Hội thảo thu hút đông đảo các đại diện của trên 30 trường đại học hàng đầu tại 6 nước châu Á, gồm Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines cùng hàng trăm quan khách tới dự. Phía Việt Nam có đại diện của 8 trường đại học tham dự hội thảo.
Hội thảo lần này là dịp để các doanh nghiệp Nhật Bản và các trường đại học ở châu Á gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm trong đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng nhân lực toàn cầu. Bên cạnh đó, chương trình phỏng vấn và tuyển dụng kéo dài 3 ngày từ 28-30/8 do Nikkei HR tổ chức sau hội thảo là mô hình thí điểm đầu tiên để doanh nghiệp Nhật tiếp cận với nguồn nhân lực dồi dào từ nước ngoài.
Trong phiên thảo luận nhóm, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoàng Diễm - giảng viên Khoa Nhật Bản học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong đào tạo tiếng Nhật cho sinh viên ở Việt Nam, vốn là hành trang quan trọng để các sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoàng Diễm nhấn mạnh tới những ưu điểm của các sinh viên Việt Nam là sự cần cù, chăm chỉ và ham học hỏi và đây cũng là những yếu tố thu hút sự quan tâm của các tập đoàn của Nhật Bản. Quan điểm này của bà nhận được sự đồng tình của các diễn giả nước ngoài và đại diện của các doanh nghiệp Nhật Bản tại cuộc hội thảo.
Một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra tại cuộc hội thảo lần này là việc dạy và học tiếng Nhật ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, vốn được cho là ngưỡng cửa để các sinh viên tiếp cận với cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tiến sỹ Trần Thị Thu Thủy - Phó Trưởng Khoa tiếng Nhật Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội cho rằng việc đào tạo tiếng Nhật ở Việt Nam hiện nay chưa được quan tâm đầy đủ và mới chỉ dừng lại ở cấp đại học mà chưa có sự xâu chuỗi từ cấp phổ thông nên trình độ của các cử nhân sau khi ra trường sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Chính vì vậy, bà hy vọng phía Nhật Bản sẽ sớm có một chiến lược cụ thể để hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có công tác giảng dạy và học tập tiếng Nhật.
Trả lời phóng viên Vietnam+, ông Keisuke Yoshio, Ủy viên Ban Chủ tịch Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), cho biết sinh viên Việt Nam nhìn chung thông minh và hiếu học. Theo quan sát của cá nhân ông, sinh viên Việt Nam tuy gặp khó khăn ban đầu khi học tiếng Nhật nhưng họ lại sớm đạt được tiến bộ, nhanh chóng nắm bắt các kỹ năng ngôn ngữ và theo kịp trình độ cơ bản trong tiếng Nhật.
Với tư cách là một tổ chức góp phần truyền bá văn hoá và ngôn ngữ của Nhật Bản ra thế giới, Quỹ giao lưu quốc tế cũng xác định vai trò của mình trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực tại các trường đại học ở Việt Nam như cử chuyên gia sang các trường và tư vấn đề nội dung cũng như kỹ năng giảng dạy tiếng Nhật.
Ông Yoshio hy vọng với nỗ lực không ngừng nghỉ của Quỹ giao lưu quốc tế, người Việt Nam sẽ biết đến Nhật Bản nhiều hơn và ngày càng có nhiều bạn trẻ học tiếng Nhật, góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ hai nước.
Sau hội thảo chuyên đề kể trên, Tập đoàn Nikkei và Công ty Nikkei HR tổ chức ba ngày phỏng vấn tuyển dụng các sinh viên châu Á nhằm trực tiếp tuyển chọn nguồn nhân lực ưu tú và có trình độ cao để làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức chương trình tuyển dụng nhân lực nước ngoài với mục tiêu dài hạn là đảm bảo nguồn nhân lực toàn cầu cho các công ty Nhật ở khu vực châu Á.
Trưởng khoa tiếng Nhật, trường Đại học Hà Nội, Phó giáo sư-Tiến sỹ Trần Thị Chung Toàn cho biết nhân cuộc hội thảo lần này, các doanh nghiệp Nhật Bản đã chủ động tổ chức phỏng vấn tuyển dụng các sinh viên châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo bà, đây thực sự là một cơ hội lớn cho các sinh viên Việt Nam có nguyện vọng làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Trần Thị Thu Thuỷ cho rằng chiến lược tuyển dụng nhân lực nước ngoài làm việc tại Nhật Bản sẽ thực sự là một cú hích quan trọng cho nhân lực Việt Nam hướng tới thị trường nhân lực toàn cầu. Theo bà, điều mà phía Việt Nam rút ra từ cuộc hội thảo lần này là để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật Bản, bên cạnh việc phải có chuyên môn sâu, sinh viên Việt Nam cần đảm bảo các kỹ năng mềm như khả năng tư duy độc lập và khả năng làm việc nhóm vốn là những yếu tố hết sức quan trọng khi làm việc tại các công ty ở nước ngoài.
(Theo www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc