Chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Thường trực TLĐLĐVN; ông Gyorgy Szirarcki, Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội; đại diện lãnh đạo ILO khu vực ASEAN. Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH: Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Vụ Hợp tác Quốc tế; đại diện Văn phòng di cư Quốc tế tại Việt Nam cùng các đại biểu đại diện tổ chức công đoàn đến từ các nước trong khu vực.
Lao động di cư là một thực tế khách quan là xu thế tất yếu trong bối cảnh tự do hóa và toàn cầu hóa. Theo Tổ chức ILO, số người di cư qua biên giới tìm kiếm cơ hội việc làm ngày càng gia tăng. Ước tính trên toàn thế giới hiện có khoảng 105 triệu nam và nữ lao động di cư bên ngoài lãnh thổ quốc gia của họ. Một nửa trong số này là phụ nữ và trên 30 triệu người đang lao động ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Lao động di cư quốc tế đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của nước tiếp nhận và kiều hối của các lao động này cũng giúp cho sự thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước họ. Tuy nhiên những lao động này thường nhận được ít sự bảo vệ và hưởng không đầy đủ các quyền của mình, là những đối tượng dễ bị đối xử không công bằng, lạm dụng và bóc lột.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki cho rằng, để tăng cường di cư an toàn, các công ước lao động quốc tế, các khuyến nghị và hướng dẫn đưa ra các công cụ cho các nước tiếp nhận trong việc quản lý một cách hữu hiệu dòng di cư và đảm bảo việc bảo vệ một cách đầy đủ nhóm đối tượng lao động yếu thế này. Ông nhấn mạnh, công đoàn các nước đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích chính phủ phê chuẩn và thực hiện các Công ước về Lao động di cư, Công ước về lao động giúp việc gia đình, Công ước di cư vì việc làm của ILO; Công ước của Liên hợp quốc về tăng cường quyền của tất cả lao động di cư và gia đình của họ.
Nhấn mạnh đến vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ lao động di cư quốc tế, Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Thường trực TLĐLĐVN cho rằng Việt Nam là nước đang phát triển, lực lượng lao động trẻ và rất dồi dào, cần cù, chịu thương, chịu khó nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tạo đủ việc làm bền vững cho họ. Vì vậy, Việt Nam luôn coi đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài là một trong những chiến lược quốc gia và cũng đã thực hiện khá thành công công việc này trong những năm qua và sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện chiến lược này trong thời gian tiếp theo. Điều đó đòi hỏi nỗ lực của các cơ quan hữu quan nói chung và tổ chức công đoàn nói riêng cần phải có một mạng lưới liên kết vững mạnh của các tổ chức công đoàn trong khu vực nhằm tập hợp một cách hiệu quả lao động di cư.
Trong thời gian diễn ra hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về xu hướng lao động di cư và những thách thức trong khu vực ASEAN. Vai trò của công đoàn trong quá trình xây dựng chính sách di cư và đảm bảo quyền của lao động di cư; xây dựng hướng dẫn về các thỏa thuận giữa các tổ chức công đoàn, trao đổi thông tin, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ và di chuyển đoàn viên từ nước phái cử lao động sang nước tiếp nhận lao động; vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ các quyền của người lao động di cư, các điển hình tốt cần áp dụng, hợp tác song phương có thể triển khai và hành động thực tế cấp quốc gia;… Nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất các giải pháp, các cơ chế hình thức phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan tổ chức trong nước, giữa các nước tiếp nhận và tái cử lao động để tạo lập một mạng lưới bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của lao động di cư.
Theo www.molisa.gov.vn
Ý kiến bạn đọc