Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đối thoại về Luật Việc làm

Thứ hai - 25/08/2014 23:25 831 0
Chiều ngày 29/5, tại Đài tiếng nói Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã có buổi đối thoại về các vấn đề liên quan đến Luật Việc làm. Cùng tham gia đối thoại còn có bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

 

Chương trình đối thoại tập trung vào thảo luận, làm rõ các vấn đề liên quan đến việc làm: thực trạng lao động Việt Nam, những bất cập của Luật Việc làm hiện tại, sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Việc làm mới và những nội dung cơ bản được đề cập trong dự thảo Luật Việc làm mới,..
 Sau đây là ý kiến trao đổi của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền về các vấn đề xoay quanh Luật Việc làm:

- Thưa Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, nếu phác thảo bức tranh về thực trạng lao động Việt Nam hiện nay thì Bộ trưởng bắt đầu từ những đường nét nào?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Việt Nam có một nguồn nhân lực dồi dào, lao động trẻ, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,58 triệu người tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn (69,5%), lao động trẻ tuổi 15 – 29 tuổi chiếm 28,6% đem lại lợi thế lớn về nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đồng thời cũng tạo nên sức ép lớn về nhu cầu việc làm mỗi năm.
Chất lượng lao động ngày càng được cải thiện nhưng còn thấp, (tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 33,5%). Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực,  nhưng lao động làm việc chủ yếu trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp (47,5%), lao động có quan hệ lao động (lao động làm công ăn lương) chỉ chiếm 34,6% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế.
- N
hững điểm bất cập lớn nhất trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về việc làm của nước ta tính đến thời điểm hiện nay là gì?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đến nay chưa có một luật riêng điều chỉnh tất cả các quan hệ về việc làm; Các văn bản pháp luật quy định về việc làm còn thiếu đồng bộ, chưa có sự thống nhất, gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc làm hiện nay chủ yếu điều chỉnh nhóm đối tượng có quan hệ lao động (thông qua hợp đồng lao động), trong khi 65,4% lao động đang làm việc trong nền kinh tế không có quan hệ lao động chưa có luật điều chỉnh; Yêu cầu về chính sách phát triển thị trường lao động chưa được thể chế hóa bằng các quy định pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động & kết nối cung – cầu lao động; Các chính sách về hỗ trợ tạo việc làm, bảo hiểm thất nghiệp hiện hành chưa phát huy được vai trò hỗ trợ, bảo đảm việc làm theo hướng bền vững; thiếu các chính sách đánh giá, công nhận kỹ năng nghề của người lao động; duy trì và bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động…. 

 

- Liệu đây có phải là lý do để chúng ta cần phải xây dựng và ban hành Luật Việc làm trong giai đoạn hiện nay? 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Ngày 01/5/2013, Bộ luật Lao động năm 2012 chính thức có hiệu lực bước đầu góp phần định hướng cho việc khắc phục những hạn chế nêu trên. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động chỉ điều chỉnh lao động có quan hệ lao động, nhiều quy định trong Bộ luật chưa cụ thể, chưa khắc phục những hạn chế và điều chỉnh toàn diện quan hệ xã hội về việc làm. Do đó, để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời hoàn thiện chính sách pháp luật về việc làm nhằm tạo cơ hội việc làm, đảm bảo việc làm bền vững và an toàn cho mọi người lao động trong xã hội, nâng cao trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với vấn đề thúc đẩy việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, và nâng cao chất lượng việc làm cho người lao động, cần phải xây dựng và ban hành Luật Việc làm để điều chỉnh toàn diện quan hệ về việc làm và thị trường lao động. 

 - Vậy những nội dung cơ bản được đề cập cụ thể trong Dự thảo Luật Việc làm là gì?  

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Luật việc làm quy định về 5 nội dung chính:

Hỗ trợ tạo việc làm: quy định 6 chính sách hỗ trợ  tạo việc làm trực tiếp bao gồm: tín dụng tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho người lao động khu vực nông thôn; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên và chương trình việc làm công; 

Thông tin thị trường lao động: quy định về thông tin thị trường lao động và trách nhiệm quản lý thông tin thị trường lao động; thu thập, cung cấp, phân tích, dự báo và phổ biến thông tin thị trường lao động; 

Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia: quy định về tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; điều kiện hoạt động của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề; 

Dịch vụ việc làm: quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm (thuộc Tổ chức dịch vụ công về việc làm) và Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm; 

 

Bảo hiểm thất nghiệp: quy định về đối tượng, chế độ, Quỹ và tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

 

- Còn một nội dung nữa đang thu hút sự quan tâm của người lao động là: việc chuyển các qui định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia từ Luật Dạy nghề sang Dự án Luật Việc làm. Liệu nội dung này có làm ảnh hưởng đến quá trình đánh giá, cấp chứng chỉ đào tạo của Luật Dạy nghề hay gây xáo trộn về tổ chức bộ máy? 

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Có thể nói điều này không ảnh hưởng đến việc đánh giá, cấp chứng chỉ đào tạo sau khi kết thúc khóa học cho người học nghề vì: Việc đánh giá, cấp chứng chỉ đào tạo cho người học nghề sau khi kết thúc khóa học được quy định tại các điều: Điều 16. Chứng chỉ sơ cấp nghề, Điều 23. Bằng tốt nghiệp trung cấp nghề và Điều 30. Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề của Luật dạy nghề; trong khi đó, vấn đề đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được quy định tại chương IX của Luật dạy nghề từ Điều 79 đến Điều 82. Đánh giá, cấp chứng chỉ đào tạo nhằm công nhận khả năng của người học nghề sau quá trình đào tạo còn đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề là nhằm công nhận năng lực làm việc thực sự của người lao động trong quá trình làm việc, không phụ thuộc vào việc người lao động đó đã qua đào tạo hay chưa qua đào tạo.
 Việc chuyển các quy định này cũng không làm phát sinh hay gây xáo trộn về tổ chức bộ máy, cụ thể: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn là cơ quan quản lý Nhà nước về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề  quốc gia và quản lý hoạt động đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề có thể tổ chức do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hội nghề nghiệp thành lập và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận để thực hiện hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động.

 

- Còn nội dung chuyển các qui định về bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Dự án Luật Việc làm thì sao, cách làm này liệu có gây xáo trộn trong việc quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không?

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Việc chuyển chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ Luật bảo hiểm xã hội sang Dự án Luật Việc làm sẽ không phát sinh thêm tổ chức, không gây xáo trộn về hoạt động quản lý Quỹ, cũng như việc tổ chức thực hiện chính sách này. Về quản lý Quỹ và tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp do Chính phủ quy định theo hướng Qũy được quản lý tập trung, thống nhất; việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn giữ như hiện nay, chỉ điều chỉnh một số nhiệm vụ của các đơn vị để việc thực hiện công việc được tốt hơn, nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, cụ thể là: Tổ chức bảo hiểm xã hội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thu và quản lý Quỹ; Cơ quan lao động – thương binh và xã hội (trực tiếp là các Trung tâm dịch vụ việc làm) thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận đăng ký thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo phát triển kỹ năng nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm và chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

 

- Vậy đâu là những điểm mới có tính căn bản của chính sách Bảo hiểm thất nghiệp trong Dự án Luật Việc làm so với Luật Bảo hiểm xã hội?

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đối tượng của bảo hiểm thất nghiệp trong Dự án Luật mở rộng đối với người lao động có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và mọi người sử dụng lao động. Đối với người lao động không có quan hệ lao động Dự án Luật dự kiến sẽ thực hiện theo cơ chế tự nguyện tham gia bảo hiểm thất nghiệp và giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ, mức đóng, mức hỗ trợ, phương thức đóng, thời gian đóng, trình tự thủ tục và lộ trình thực hiện.

 

Chế độ của bảo hiểm thất nghiệp trong Dự án Luật được mở rộng hơn: Thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm đối với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất kinh doanh.

 

- Để đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình triển khai chính sách Nhà nước cần hỗ trợ như thế nào vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp? 

 

 Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Cùng với việc mở rộng đối tượng áp dụng và phạm vi các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp cũng như xu hướng chi sẽ tăng thêm do số lượng người lao động được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, mức hưởng tăng và thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đòi hỏi trong thời gian tới Nhà nước vẫn phải hỗ trợ để đảm bảo an toàn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ nghiên cứu để giảm dần mức hỗ trợ của Nhà nước tiến tới thực hiện theo mô hình cân bằng Quỹ nên Dự án Luật Việc làm  quy định mức hỗ trợ của Nhà nước tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, mức hỗ trợ cụ thể do Chính phủ quy định căn cứ tình hình kết dư Quỹ từng thời kỳ.

- Luật Việc làm sẽ góp phần như thế nào trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế mạnh mẽ gắn với đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta? 

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Luật Việc làm được ban hành sẽ thúc đẩy các quan hệ xã hội về việc làm ngày càng phát triển, góp phần giải phóng năng lực của mọi người lao động cho phát triển kinh tế và xã hội, tạo ngày càng nhiều việc làm có năng suất, chất lượng, hiệu quả và góp phần duy trì, bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế song song với đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

-                     (Theo www.molisa.gov.vn)

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay3,020
  • Tháng hiện tại49,554
  • Tổng lượt truy cập3,812,017
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây