Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân

Thứ tư - 04/05/2016 16:00 773 0
Trong không khí chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm Ngày quốc tế lao động 1/5, sáng 30/4, tại Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt và đối thoại với 3.000 công nhân 8 tỉnh phía Nam. Cùng tham gia buổi gặp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng; lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố.

Buổi gặp mặt và đối thoại diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn và thực chất. Phát biểu trước khi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn tình cảm ấm áp, chân thành của hơn 3.000 công nhân có mặt, đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của công nhân trên cả nước. Do vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành muốn lắng nghe ý kiến từ người lao động làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện chính sách, để giai cấp công nhân có cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn, làm chủ quê hướng đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.    
Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc tạo mọi điều kiện cho giai cấp công nhân ở mọi miền Tổ quốc có công ăn việc làm, có thu nhập và đời sống tốt hơn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, do những điều kiện cụ thể của đất nước, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với giai cấp công nhân, như vấn đề lương tối thiểu, nhà ở, nhà trẻ cho con em công nhân, bữa ăn, văn hóa tinh thần của người công nhân. Đây cũng là những vấn đề mà nhiều công nhân đã đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi đối thoại.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với khoảng 3.000 công nhân 

Về câu hỏi của một công nhân đối với lương tối thiểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mức tăng lương tối thiểu vùng lên 12,4% là một nỗ lực lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nhất là trong bối cảnh năm 2015, lạm phát chỉ tăng 0,63%, nhưng lương tối thiểu vùng tăng lên 12,4%, góp phần đảm bảo đời sống người lao động.

Anh Trịnh Anh Tuấn, công nhân Công ty Hài Mỹ, Bình Dương, nêu lên vấn đề khi lương tăng, chưa nhận được lương mới thì giá đã tăng, đồng thời mong muốn Chính phủ xử lý tình trạng này. 
Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng cho biết Nhà nước sẽ kiểm soát lạm phát, giữ bình ổn giá. Ví dụ như năm 2015, lạm phát tăng 0,63%, trong khi lương tối thiểu tăng tới trên 12,4%. Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt hệ thống phân phối, cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người lao động với giá bình ổn, không để tư thương ép giá công nhân.  
Đối với thắc mắc của công nhân về việc doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, khiến người lao động thiệt thòi khi thay đổi công việc, không được hưởng lương hưu sau này, Thủ tướng chỉ đạo, phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, theo luật mới, cơ quan BHXH có quyền thanh tra doanh nghiệp. Bộ Luật Hình sự sửa đổi có quy định người trốn đóng BHXH có thể bị xử phạt cao nhất đến 7 năm tù và có thể bị phạt đến 3 tỉ đồng. Đây sẽ là hình phạt nghiêm khắc đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm về BHXH, cũng là biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Một vấn đề mà công nhân các khu công nghiệp trên cả nước cũng rất quan tâm, đó là an toàn vệ sinh thực phẩm của bữa ăn công nhân. Chị Trần Thị Hằng Thu, Công ty TNHH Shy-Shangying – Khu công nghiệp Đồng Xoài II, Bình Phước nêu thực tế là hiện nay bữa ăn công nghiệp chất lượng thấp, thực phẩm bẩn lại tràn lan trên thị trường, công nhân rất lo sợ doanh nghiệp mua thực phẩm không đảm bảo vệ sinh để phục vụ bữa ăn cho công nhân. 


Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho đại diện công nhân các khu công nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong việc này, công đoàn cơ sở phải công công khai thực đơn, giá cả bữa ăn của công nhân tại nhà máy. Dù bữa ăn có mức giá nào thì cũng phải công khai, không để thất thoát từng cân thịt, ký gạo trong bữa ăn công nhân. Đối với nguồn thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu các bếp ăn phải công bố nguồn gốc thực phẩm xem mua ở đâu, chợ nào, siêu thị nào để truy nguồn gốc.
“Chủ tịch xã, phường, chủ siêu thị phải chịu trách nhiệm về thực phẩm sạch để đảm bảo cho công nhân. Nếu công nhân bị ngộ độc, cơ quan chức năng phải điều tra, ngộ độc từ đâu để quy trách nhiệm người làm ảnh hưởng đến bữa ăn công nhân. Chính quyền và công đoàn phải giám sát bữa ăn công nhân. Nơi nào để thực phẩm bẩn thì chính quyền địa phương ở đó phải chịu trách nhiệm đến cùng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước lo ngại của nhiều công nhân, rằng khi gia nhập TPP, có thể chịu sức ép cạnh tranh về việc làm, Thủ tướng nhấn mạnh, khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội có, nhưng thách thức cũng có. Khi đó người lao động các nước tự do tìm việc tại các quốc gia trong khối.
Do đó, người lao động trong nước cần học tập, nâng cao chất lượng tay nghề, học ngoại ngữ, để có thể cạnh tranh với lao động nước ngoài. Thủ tướng cũng đối thoại với công nhân về vấn đề nhà ở công nhân, nhà trẻ và khu vui chơi, thể thao giải trí, đáp ứng đời sống tinh thần của người công nhân.
Sau buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng 24 tivi cho công nhân 8 tỉnh trọng điểm kinh tế phía nam. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là phần quà mang giá trị tinh thần, giúp công nhân có điều kiện tiếp cận với các thông tin kinh tế - văn hóa – xã hội. Thủ tướng cũng tặng hơn 3.000 cây bút cho hơn 3.000 công nhân với thông điệp: “Đây là động lực giúp công nhân không ngừng tiếp tục được học tập, trau dồi kiến thức”./.

(Nguồn: www.molisa.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,048
  • Tháng hiện tại40,342
  • Tổng lượt truy cập3,930,640
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây