Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định Luật Việc làm

Thứ bảy - 05/12/2015 15:35 792 0
Ngày 1/12, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm". Tham dự Chương trình có ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TBXH), ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hà Nội. Chương trình được phát trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình Quốc hội.

 

Chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm đã được triển khai từ đầu năm 2015. Đến nay, các Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận số lượng lớn hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, giới thiệu việc làm cho hàng trăm nghìn lượt người và trong đó nhiều trường hợp đã có việc làm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động, lao động nhảy việc vẫn tiếp tục diễn ra. Tọa đàm nhằm thông tin về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; giải pháp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để chính sách bảo hiểm thất nghiệp đi vào cuộc sống thiết thực và hiệu quả hơn. 
Đánh giá về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp hiện nay, ông Lê Quang Trung cho biết: chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được thực hiện sang đến năm thứ 7 và là năm đầu tiên thực hiện theo Luật việc làm. Theo quy định của Luật việc làm, các chính sách bảo hiểm thất nghiệp có rất nhiều điểm mới so với trước đây. Theo đó, nếu trước đây, đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Hiện nay, đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm tất cả người sử dụng lao động có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động và mở rộng thêm đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng bên cạnh người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có xác định thời hạn. Đồng thời, bên cạnh các quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định hiện tại như trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm, quy định mới đã bổ sung chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Tính đến ngày 18/11/2015, 475.470 người đã nộp hồ sơ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó, trên 86% người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Trong số này, nhiều người đã tìm được việc làm; một số trường hợp khác đã được tư vấn nên không nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp để tìm việc làm mới. Đây là con số đáng ghi nhận. Các Trung tâm giới thiệu việc làm đã làm tốt công tác giáo dục việc làm. 
Cũng trong gần 11 tháng triển khai Luật việc làm, 22.381 người đã được hỗ trợ học nghề (so với cùng kỳ 2014 tăng hơn 30%). Đây là số liệu quan trọng, khẳng định hướng tăng số người học nghề qua các năm. Người lao động nhận thức được nếu có hỗ trợ và được học nghề sẽ có cơ hội tìm được việc làm tốt hơn, có thu nhập tốt hơn. Trong thời gian tới, Cục Việc làm sẽ nỗ lực nhiều hơn để có thêm nhiều người đến với các sàn giao dịch đều được tư vấn, giới thiệu việc làm - ông Lê Quang Trung khẳng định. 
Riêng tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hà Nội Nguyễn Toàn Phong cho biết: số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng nhiều. Trong hơn 5 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến nay, Trung tâm đã có 125.000 người đến đăng ký xin hỗ trợ về chế độ trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ về việc làm, học nghề. Với quan điểm đặt con người vào trọng tâm, cần làm sao để người lao động tìm được việc làm sớm nhất, Trung tâm hướng trọng tâm cho người lao động quay trở lại làm việc, tránh cho người lao động phải đi lại nhiều lần. Về công tác đào tạo, hỗ trợ nghề, trung tâm cũng dành các hoạt dộng hỗ trợ học nghề cho người lao động. Số người lao động đăng ký các hoạt động hỗ trợ học nghề tăng hàng năm. Dự kiến, số lao động được học nghề trong năm 2015 là trên 2.000 người. Đây là con số hết sức tích cực so với các năm trước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng gặp phải những khó khăn. Ông Lê Quang Trung chỉ rõ: nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động về chính sách này còn bất cập, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa; công tác quản lý lao động còn nhiều vấn đề phức tạp, chưa quản lý chặt chẽ biến động về lao động. Thời gian qua, đặc biệt là năm 2015, kinh tế có phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, không đóng được bảo hiểm xã hội, dẫn đến tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động. Các cơ chế chính sách, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên theo dõi, lắng nghe việc triển khai các chính sách này ở địa phương, nếu có vấn đề sẽ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, lắng nghe các phản hồi từ phía chủ sử dụng lao động và người lao động phản hồi về các chính sách; xây dựng các quy định để thực hiện tốt các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp; tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến các quyền của chủ sử dụng lao động và người lao động; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động… Đồng thời, bộ cũng đề nghị chủ sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động gắn bó với công việc, hiểu các quy định một cách công khai, minh bạch; tăng cường sự phối hợp giữa chủ sử dụng lao động và người lao động một cách bền vững, lâu dài… 
Các đại biểu dự Tọa đàm đều khẳng định: để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là một chính sách an sinh xã hội hiệu quả đối với người lao động, cần hơn nữa sự quan tâm, vào cuộc từ Trung ương đến chính quyền địa phương ngay từ cấp xã trong công tác rà soát, vận động, đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh... Bên cạnh đó, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động để người lao động thấy rõ lợi ích của bản thân khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, từ đó người lao động mới vào cuộc cùng giám sát, đôn đốc đơn vị nơi làm việc chấp hành đúng quy định của pháp luật về Luật Việc làm, trong đó có việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp…

Nguồn: www.molisa.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay3,344
  • Tháng hiện tại49,878
  • Tổng lượt truy cập3,812,341
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây