Bước chân tuổi lên 9 của Huy
Đầu tháng 11/2017, giám đốc đại diện Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) cùng cán bộ Văn phòng Dự án Direct tại Tây Ninh về xã Tân Lập (huyện Tân Biên) thăm trường hợp cháu Nguyễn Thanh Huy.
Ở huyện giáp ranh biên giới, mọi thứ dường như lặng lẽ hơn. Ban ngày người lớn bận mưu sinh, trẻ con đến tuổi đều đến trường. Trong ngôi nhà nhỏ, ở góc cũi thấp tối, đứa bé gầy còm độc mỗi chiếc quần. Huy năm nay 9 tuổi, thể chất như đứa trẻ lớp lá, hầu như mọi hoạt động của Huy chỉ quẩn quanh ở góc nhỏ này.
Nhìn thấy có người vào nhà, giọng Huy reo rất to dù không có từ nào tròn vành rõ chữ, chỉ có niềm vui của trẻ con rộn ràng lắm. Cô Dung cũng như các cô chú khác thuộc Văn phòng Dự án Direct nắm khá rõ về hoàn cảnh của Huy. Cậu bé sinh năm 2009, dường như đã chịu thiệt thòi ngay trong bụng mẹ, rồi mẹ sinh Huy thiếu tháng, con gầy yếu trong trứng nước, tuổi thơ con chỉ thấy thiếu thốn, mất mát nhiều vì ngay sau đó, mẹ Huy bỏ chị em Huy lại cho ông bà nội. Bố của Huy phiền nản cũng bỏ đi, nói là đi tìm mẹ nhưng chưa lần nào bố mẹ quay về tìm các con.
Bác Toàn: "Bác chạy thi với cháu nhé"
Gần 7 năm dài cơ chân của Huy không phát triển, Huy chỉ nằm yên một chỗ, mọi sinh hoạt dựa hết vào ông bà nội. Đến một ngày tháng 5/2016, trong lần đoàn kỹ thuật viên của Dự án Direct phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng tổ chức khám sàng lọc cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Y tế huyện, Huy được bà đưa đến, hy vọng của bà không nhiều lắm...
Nhưng tất cả đã thay đổi với bản thân Huy và gia đình. “Nhờ các cô chú tập luyện nên cháu có được cơ hội như hôm nay, nó đi được giống như một phép màu”, bà nội Huy chân chất chia sẻ. Bà không nhớ các mốc thời gian nhưng là người quản lý trường hợp, cô Dung nhớ nằm lòng: Huy được các anh chị kỹ thuật viên hỗ trợ tập đi trong vòng 01 tháng, bắt đầu từ những bài tập cơ đơn giản, vật lý trị liệu, uốn nắn vòng chân, bắt đầu cũng từ bao nhiêu khó khăn của anh chị kỹ thuật viên, từ đau đớn của Huy. Hơn một năm nay, Huy được đưa đi tái khám 6 lần. Nghe có vẻ lạ nhưng trước khi đi vững, Huy đã chạy cuồng trên đôi chân của chính mình.
Tây Ninh: Mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng được phủ khắp các tuyến
Cuối năm 2015, UBND tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định phê duyệt “Kế hoạch phục hồi chức năng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020”. Cùng với các tổ chức quốc tế đang triển khai các dự án dành cho người khuyết tật trên địa bàn Tây Ninh, Dự án Direct (Tăng cường thực thi chính sách và trị liệu cho NKT) do VNAH triển khai đã hỗ trợ địa phương đào tạo tăng cường nguồn nhân lực: 16 bác sỹ và 26 Kỹ thuật viên hoàn thành lớp đào tạo định hướng PHCN tại TP. Hồ Chí Minh; đào tạo 60 cán bộ chuyên trách tuyến cơ sở; tổ chức tập huấn chuyên đề về PHCN và chuyển giao kỹ thuật về PHCN, cung cấp dụng cụ PHCN cho các bệnh viện, trung tâm y tế huyện. Đến nay, tuyến tỉnh đã thành lập Ban điều hành quản lý chương trình PHCN dựa vào cộng đồng; 100% các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã, phường thành lập ban điều hành chương trình. Toàn tỉnh hiện có 117 cán bộ chuyên trách, mỗi xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách về PHCN. Tổng số cộng tác viên toàn tỉnh hiện là 542 người.
Kỹ thuật viên tiến hành đánh giá trên từng trường hợp trẻ
Tháng 5/2016, Dự án DIRECT phối hợp với Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Quỹ Butterfly Basket và các cơ quan y tế địa phương đã đưa 71 sinh viên và các kỹ thuật viên phục hồi chức năng tới cung cấp dịch vụ trị liệu cho hơn 200 người hưởng lợi như trường hợp của bé Huy.
BS. Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh cho biết: “Hiện mạng lưới PHCN ở Tây Ninh đã được tăng cường từ tuyến tỉnh xuống xã, các bệnh viện và trung tâm y tế đã có khoa hoặc đơn vị PHCN. 100% trung tâm y tế huyện, thành phố có bác sỹ, y sỹ, kỹ thuật viên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên ngành PHCN. Công tác quản lý NKT chặt chẽ hơn nhờ có phần mềm quản lý, đồng thời, bản thân NKT được quan tâm và tiếp cận các hoạt động trị liệu tốt hơn”.
Khánh thành Khoa Phục hồi chức năng Trung tâm Y tế Tân Biên
Dự án xây dựng Khoa Phục hồi chức năng cho Trung tâm y tế huyện Tân Biên là một trong 6 dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình viện trợ không hoàn lại năm 2015 của Chính phủ Nhật Bản, được thực hiện thông qua VNAH, tổng kinh phí 90.909 USD.
Công trình chính thức khánh thành vào ngày 27/11/2017, tuy nhiên theo ông Vũ Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Biên, để người dân có cơ hội tiếp cận với phương pháp trị liệu và PHCN, các hoạt động vẫn đang trong gian đoạn chưa thu phí dịch vụ. Theo thống kê, số người khuyết tật được quản lý tại huyện Tân Biên khoảng hơn 1.920 người, số lượt tiếp nhận của Khoa Phục hồi chức năng đến thời điểm này là 698 lượt.
Dự tính, thời gian tới đây, sau khi đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng theo quy định, các trang thiết bị y tế cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp, khoa sẽ đáp ứng được nhu cầu PHCN của người khuyết tật trong huyện và các vùng lân cận.
Hơn nữa, việc đưa Khoa phục hồi chức năng vào Trung tâm Y tế huyện sẽ góp phần giảm tải cho bệnh viên, trung tâm PHCN các tuyến trên, đặc biệt giúp giảm chi phí, thời gian đi lại của bệnh nhân và gia đình. Các hoạt động đào tạo và can thiệp tại địa phương, ngay từ tuyến cơ sở, sẽ chú trọng tới vấn đề bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử trên cơ sở khuyết tật. Đây là một trong những mục tiêu hướng tới trong 05 năm Dự án Direct triển khai ở các địa bàn (Tây Ninh và Bình Phước): Cung cấp các dịch vụ PHCN chất lượng để giúp người khuyết tật tham gia tốt hơn vào xã hội.
(Nguồn www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc