Tạo việc làm cho người khuyết tật: Cho đi một quả ngọt sẽ nhận được nhiều trái ngọt hơn

Thứ hai - 04/12/2017 14:20 1.236 0
Đây là nhận định của Thứ trưởng Đào Hồng Lan tại “Hội nghị Biểu dương doanh nghiệp tiêu biểu tạo việc làm đối với người khuyết tật” lần thứ nhất 2017 diễn ra chiều nay ( 30/11) tại Hà Nội, do Ủy ban Quốc gia Người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức.
Xã hội ngày càng đầy lên tình yêu thương

Hội nghị là sự kiện lớn, nằm trong tổng thể các hoạt động sôi động đang diễn ra trên khắp cả nước nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12), biểu thị trách nhiệm cao cả, nghĩa tình, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với người khuyết tật.

Bàn Chủ tọa

Đến dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Hồng Lan- Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật; Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thương binh và người khuyết tật Việt Nam… cùng đại diện đông đảo các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương, đại diện một số tổ chức quốc tế.

Cùng hơn 100 đại biểu từ mọi miền Tổ quốc về dự, đại diện cho các doanh nghiệp tạo việc làm đối với người khuyết tật, trong đó có 17 cá nhân và 12 doanh nghiệp điển hình được tuyên dương tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong những năm qua, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật, đã huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức của người khuyết tật, từ thiện trong và ngoài nước… đã góp phần không nhỏ vào tạo việc làm cho họ; từng bước giảm dần những rào cản, cải thiện đời sống, bảo đảm quyền của người khuyết tật.

“Tôi nhiệt liệt biểu dương và trân trọng cảm ơn những tấm lòng vàng, những hoạt động thiện nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng người khuyết tật trên con đường hướng tới một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, một xã hội ngày càng đầy lên tình yêu thương”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nói. 

Cuộc gặp mặt, biểu dương hơn 100 cá nhân, doanh nghiệp vì người khuyết tật, là sự kết nối đầy cảm xúc của những tấm gương nghị lực sống và những tấm lòng nhân ái, luôn quan tâm sẻ chia, giúp đỡ những người kém may mắn.  

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc Hội ngh

“Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng, bản thân tôi từng là người lính. Năm 1991 xuất ngũ trở về địa phương xây dựng kinh tế, tôi luôn nung nấu trong lòng quyết tâm bù đắp, san sẻ một phần sự mất mát, hy sinh của đồng đội. Đó là tìm cách tạo công ăn, việc làm cho các thương bệnh binh, các cháu bị nhiễm chất độc màu da cam, những người khuyết tật kém may mắn”, ông Đoàn Xuân Tiếp, Chủ tịch tập đoàn Kinh tế Chân - Thiện - Mỹ bắt đầu chia sẻ câu chuyện đầy xúc động của mình khi không quản ngại dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật suốt hơn 20 năm qua.

Bằng chính những trải nghiệm thực tế, học hỏi qua nhiều năm tháng, đi đến nhiều nơi, thử nghiệm nhiều ngành nghề, ông Tiếp đã tìm ra được hướng đi cho riêng mình và người khuyết tật. Đó là dạy nghề thủ công mỹ nghệ cho người khuyết tật, giúp họ có các kỹ năng tự giải quyết vấn đề, tự chăm sóc mình, tự nuôi được bản thân.

Ông Tiếp cho biết, từ buổi đầu muôn vàn khó khăn, “chúng tôi đã nỗ lực hết mình, nên cơ sở dạy nghề thủ công mỹ nghệ đã vượt qua bao trở ngại, từng bước phát triển. Cũng nhờ lúc đó chính sách miễn thuế của Nghị định 81 CP của Chính phủ ra đời nên hỗ trợ cho hoạt động của chúng tôi rất tốt”, ông Tiếp thông tin.

“Từ đó, người khuyết tật xa gần nghe tin, tự tìm đến xin học, số lao động tăng, sản phẩm ngày càng nhiều, hàng hóa tiêu thụ tốt, khi có lợi nhuận chúng tôi đã tái đầu tư thành lập 2 cty lớn đó là: Cty Mỹ nghệ Hồng Ngọc và Cty Chân - Thiện - Mỹ”, ông Tiếp cho biết thêm.

Đến nay hai cty này đã dạy nghề cho gần 1.000 lao động, hiện đang làm việc tại 2 cty là trên 600 lao động, trong đó có 210 lao động là người khuyết tật (chiếm tỷ lệ khoảng 35%), cùng những hệ thống nhà xưởng khang trang, nhà ở tập thể, đường đi, công trình phụ và các công trình khác… đảm bảo tốt cho cuộc sống và sinh hoạt đặc thù của người khuyết tật. 

Tổng GĐ Tập đoàn Chân – Thiện – Mỹ Đoàn Xuân Tiếp đại diện DN tiêu biểu trình bày tham luận về tình hình tạo việc làm đối với người khuyết tật thời gian qua của Tập đoàn 

Cty Chân- Thiện- Mỹ của ông Tiếp chỉ là một điển hình, trong số 100 doanh nghiệp, cá nhân tụ hội về Hội nghị hôm nay. Như Cty CP 27/7 Hải Hậu, Nam Định đã tạo việc làm cho trên 170 lao động là người khuyết tật;

Hay chị Dương Thị Sáu Giám đốc doanh nghiệp Sáu Toàn, Ninh Bình từ năm 2006 đến nay đã tạo việc làm cho 525 người khuyết tật, tạo việc làm thường xuyên cho 28 người tại doanh nghiệp và giao hàng về nhà cho 45 người đi lại khó khăn.

“Chị Sáu là tấm gương mẹ hiền tiêu biểu của lao động 100% là người khuyết tật tại doanh nghiệp, chị như chiếc cầu mang lại cuộc sống vui vẻ, ổn định cả tinh thần và vật chất cho người khuyết tật”, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi đánh giá. 

Không chỉ thế, các đại diện đến từ các cty, các tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người khuyết tật đã có những bài phát biểu thiết thực, chia sẻ các mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật… 

Tạo việc làm cho NKT là trách nhiệm và cả nghĩa tình

Cũng tại hội nghị, đại diện các ban, ngành đã tập trung lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp đối với các chế độ, chính sách… để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả trong tạo việc làm cho người khuyết tật trong thực tiễn.

Trước các kiến nghị, Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để có các giải pháp thiết thực hơn. “Làm sao để giữa cơ quan quản lý, cùng với doanh nghiệp, lắng nghe, trao đổi chia sẻ thông tin, mục đích để tìm ra những phương cách, phương hướng để giải quyết tốt hơn việc làm cho người khuyết tật”, Thứ trưởng khẳng định.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng chia sẻ: “Trong điều kiện kinh doanh hết sức khó khăn hiện nay, với trách nhiệm và cả nghĩa tình của mình, các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho người khuyết tật có công ăn việc làm ổn định. Với tinh thần tương thân tương ái, những tấm lòng vàng đó đã cho đi một quả ngọt sẽ nhận được nhiều trái ngọt hơn…”

Đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu tạo việc làm đối với người khuyết tật nhận Bằng khen tại Hội nghị

Các cá nhân tiêu biểu tạo việc làm đối với người khuyết tật nhận Bằng khen tại Hội nghị

Mục tiêu tổng quát cần phấn đấu trong thời gian tới là từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật, phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% người khuyết tật có khả năng lao động, có kỹ năng nghề có việc làm. Tập trung, quyết liệt thực hiện công tác xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật và đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật.

Không cho phép được ngừng nghỉ về kết quả tạo việc làm cho NKT

Hiện nay cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, trong đó người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% NKT là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo… 

Trong khi đó, công tác trợ giúp cho người khuyết tật còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, đời sống của người khuyết tật, đặc biệt người khuyết tật thuộc hộ nghèo còn nhiều khó khăn nên cần nhiều hơn nữa quyết tâm, nỗ lực hành động của các cấp, các ngành, sự sẻ chia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với người khuyết tật; tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về dạy nghề, tạo việc làm và trợ giúp xã hội để nâng cao đời sống, giảm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật; nâng cao năng lực của các cơ sở trợ giúp người khuyết tật, cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật. 

“Vui mừng với những thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đạt được trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật; xúc động và cảm phục với những tấm gương tiêu biểu của hàng triệu người khuyết tật nhưng chúng ta không bao giờ tự cho phép mình được ngừng nghỉ, hay tự hài lòng về kết quả đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật và trên thực tế vẫn còn đó, rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài cần được tổ chức thực hiện thật tốt”, ông Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Các đại diện tiêu biểu là doanh nhân vốn là người khuyết tật trên mọi miền Tổ quốc về tham dự Hội nghị

Được nghe những chia sẻ, những câu chuyện từ các báo cáo điển hình, đại diện từ mọi miền Tổ quốc về tham dự đã không khỏi cảm phục Nguyễn Thảo Vân, từ nhỏ đã bị khuyết tật nặng không đi lại được nhưng có nghị lực phi thường để vươn lên, hay bạn Lê Việt Cường chỉ còn đôi tay, bạn Nguyễn Thị Lan Anh mắc bệnh xương thủy tinh.v.v... nhưng bằng nghị lực phi thường đã miệt mài chinh phục hành trình tri thức theo cách riêng của mình để trở thành người thành đạt có ích cho xã hội, cho đất nước và tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn…

Thành tích mà các anh, các chị đã đạt được để thay đổi cuộc sống là niềm cổ vũ, động viên đầy ý nghĩa đối với hàng triệu người khuyết tật. 

Những tấm gương chân thực này sẽ khơi gợi, lôi cuốn, trở thành động lực để nhiều người còn đang mặc cảm tự ti vì hoàn cảnh khuyết tật sẽ can đảm hơn, mạnh dạn hơn bước ra khỏi sự bi quan, hòa nhập với cộng đồng.

“Tôi mong rằng các anh chị, các bạn sẽ giữ mãi ngọn lửa ý chí và lan tỏa nghị lực sống của mình cho cộng đồng và những người đồng cảnh ngộ. Đây chính là giá trị đóng góp xứng đáng của các anh chị, các bạn cho sự phát triển vững bền của đất nước”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhận định.

(Nguồn www.molisa.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay1,756
  • Tháng hiện tại39,034
  • Tổng lượt truy cập3,929,332
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây