Thực hiện bình đẳng giới góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tiến bộ xã hội

Thứ sáu - 19/07/2013 15:15 825 0
Bình đẳng giới là một trong những vấn đề xã hội mang tính toàn cầu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm và cùng thống nhất hành động giải quyết để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.

 Ở Việt Nam, bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ là chủ trương lớn của Đảng và là một trong những chính sách xã hội quan trọng của quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2007. Luật Bình đẳng giới tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của giới nam và giới nữ; đồng thời tiếp tục khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc cụ thể hóa và cam kết thực hiện các Điều ước quốc tế về quyền con người và bình đẳng giới mà Việt Nam là thành viên. Luật Bình đẳng giới ra đời được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Đây là một kết quả lớn của chính sách xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Một số kết quả đạt được trong thực hiện bình đẳng giới

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, vị trí xếp hạng của chỉ số phát triển giới (GDI) của Việt Nam tăng từ mức trung bình thấp năm 1995 (đạt giá trị 0,537, đứng vị trí thứ 72/130 nước) lên mức trung bình cao năm 2009 (đạt giá trị 0,73, đứng vị trí 94/182 nước được xếp hạng); hiện nay chỉ số quyền năng giới (GEM) của Việt Nam đạt 0,554, đứng ở vị trí thứ 62/109 nước, thuộc nhóm nước có sự phát triển trung bình về giới. Việt Nam được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. 

Trong lĩnh vực chính trị

Giới nữ tham gia lãnh đạo quản lý là một trong những chỉ tiêu quan trọng về sự tiến bộ xã hội và bình đẳng giới. Những năm qua, chỉ tiêu này đã được cải thiện rõ rệt. Ngày càng có nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác đã do các cán bộ, công chức nữ đảm nhiệm. 

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI (tháng 01-2011), tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới đạt 9%, nhưng trong nhiệm kỳ này đã có 02 đồng chí nữ tham gia Bộ Chính trị và 02 đồng chí nữ được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 như sau: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 24,4%, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 25,17%, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã là 24,62%, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân xã, phường, thị trấn là 21,71%. Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao trong khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 quốc gia và giữ vị trí thứ 2 trong 8 nước ASEAN có Nghị viện).

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động

Bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ chỉ thực sự đạt được khi phụ nữ có khả năng độc lập về kinh tế. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra mục tiêu: “Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động”.

Năm 2012, lực lượng lao động cả nước khoảng 52,6 triệu người, trong đó lao động nữ chiếm 48,7%. Như vậy, khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động đã được cải thiện, phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Trên toàn quốc, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động đạt 78,2% so với nam giới là 86%. Lao động nữ đóng vai trò quan trọng trong các ngành chế biến, xuất khẩu. Tỷ lệ lao động nữ cao hơn rõ rệt so với nam ở ngành dệt, may (trên 70%), ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (53,7%). Tỷ lệ lao động nữ đi lao động và làm việc có thời hạn ở nước ngoài hằng năm chiếm 33%.

Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt hơn 20% vào loại tỷ lệ khá cao so với khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, phát triển thương hiệu, giải quyết nhiều việc làm và bảo đảm đời sống, thu nhập cho cán bộ, nhân viên; đồng thời tham gia tích cực vào việc thực hiện trách nhiệm xã hội như xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, từ thiện, nhân đạo,... Phụ nữ tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hằng ngày tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho gia đình và xã hội. 

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục cũng được cải thiện, đặc biệt đối với người dân tộc thiểu số, con em các gia đình nghèo, trẻ em gái và các đối tượng bị thiệt thòi. Về cơ bản, đã đạt được sự bình đẳng nam nữ trong giáo dục phổ thông, trong đó có giáo dục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. 

Tỷ lệ biết đọc, biết viết của phụ nữ có chiều hướng tăng, nếu như năm 1993 đạt 82,3%, năm 2008 đạt 90,5%, năm 2010 đạt 91,6% thì năm 2011 đạt 92%, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn có sự chênh lệch đáng kể giữa nam và nữ. Tỷ lệ trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, học sinh tiểu học và trung học cơ sở đạt khoảng 80%; tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt trên 80%.

Bên cạnh đó, phụ nữ tham gia ngày càng chủ động, tích cực vào các hoạt động khoa học - công nghệ, có nhiều công trình nghiên cứu làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, ứng dụng vào sản xuất và hoạt động thực tiễn đem lại lợi ích kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực y tế

Hiện nay, mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã và đang được thực hiện. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã được chú trọng. 

Cùng với những tiến bộ của y học, sức khỏe phụ nữ tiếp tục được cải thiện. Chính sách mới về y tế đã tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là khi mang thai. Bước đầu đã triển khai nhiều can thiệp hiệu quả như quản lý phụ nữ mang thai, phát hiện thai có nguy cơ, chuyển tuyến kịp thời, nâng cao chất lượng chăm sóc tại các cơ sở y tế; đồng thời mở rộng truyền thông giáo dục cho người dân tại cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ. 

Tỷ lệ tử vong bà mẹ khi thai sản qua các năm đã không ngừng giảm: từ 80/100.000 trẻ đẻ sống (năm 2005) xuống 75,1/100.000 (năm 2006); 75/100.000 (năm 2007, 2008); 69/100.000 (năm 2009, 2010); 67/100.000 (năm 2011), năm 2012 còn khoảng 64/100.000 trẻ sơ sinh sống. Việc triển khai các biện pháp kiểm soát khống chế tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực,...

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ

Nhiều nữ trí thức đã được Đảng và Nhà nước trao những giải thưởng cao quý, nhiều nhà khoa học nữ được Nhà nước tôn vinh Anh hùng Lao động, cấp bằng lao động sáng tạo và nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. 

Giải thưởng Kovalevskaia được trao hằng năm là một minh chứng cho việc tôn vinh nữ trí thức Việt Nam. Trong 28 năm qua, đã có 39 cá nhân và 16 tập thể các nhà khoa học nữ xuất sắc được nhận giải thưởng cao quý này. Giải thưởng mang ý nghĩa quốc tế này đã góp phần động viên các nhà khoa học nữ của Việt Nam phấn đấu để ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang giá trị kinh tế - xã hội được ứng dụng trong thực tế, tăng thêm uy tín của hoạt động khoa học của phụ nữ Việt Nam trên thế giới.

Trong lĩnh vực văn hóa, thông tin

Chủ trương xã hội hóa văn hóa đã tạo thêm nhiều cơ hội cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần cho phụ nữ và hướng tới mục tiêu bình đẳng giới. Các loại hình hoạt động văn hóa phát triển ngày một phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc dân tộc trên phạm vi toàn quốc.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, hình ảnh người phụ nữ tự tin vươn lên, khẳng định mình trong công việc xuất hiện ngày càng nhiều, bên cạnh đó là hình ảnh người nam giới chia sẻ công việc gia đình. Tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội và tiếp cận thông tin ngày càng cao hơn. 

Với mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin, những năm qua, các cơ quan thông tấn, báo chí đã thực hiện tốt chức năng tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong đó có tập trung tuyên truyền các nội dung về bình đẳng giới. Một số kênh phát thanh và truyền hình đã dành nhiều thời lượng truyền tải nội dung này như: Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1); Hệ Phát thanh Văn hóa - Đời sống - Khoa giáo (VOV2); Hệ Phát thanh dân tộc (VOV4), Hệ Phát thanh có hình (VOV TV); Báo điện tử (VOV); Kênh VTV1 (Chuyên mục Sức sống mới, Làm đẹp, Tạp chí phụ nữ, sống đẹp,...), kênh O2TV (chuyên mục Nam khoa). Thông qua các chuyên mục “Tiếp chuyện bạn nghe đài”, “Tư vấn chế độ chính sách, các vấn đề xã hội”... Đài Tiếng nói Việt Nam đã trả lời hàng trăm vấn đề, giải đáp thắc mắc về thực hiện bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các quyền bình đẳng giữa nam và nữ; quyền được làm việc, quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền được lựa chọn bạn đời khi kết hôn,... Với Chương trình phụ nữ có thời lượng phát sóng 15 phút/chương trình, 4 chương trình/1 tuần là diễn đàn cho chị em nói lên tiếng nói riêng của mình. Hiện, có gần 30% cán bộ nữ làm công tác báo chí chuyên nghiệp trong hơn 700 cơ quan báo chí, thông tấn và hàng trăm đài phát thanh, truyền hình từ Trung ương tới địa phương.

Trong lĩnh vực gia đình

Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình là một trong các mục tiêu quan trọng đã và đang được thúc đẩy thực hiện ở Việt Nam. Một trong những điểm dễ nhận biết nhất trong kết quả thực hiện bình đẳng giới, đó chính là việc phân công, sắp xếp lại công việc trong gia đình một cách hài hòa, hợp lý giữa người vợ và người chồng. Trong gia đình hiện nay, người chồng đã biết chia sẻ với vợ về công việc nhà, chăm sóc con; người vợ cũng đã chủ động chia sẻ với chồng gánh nặng kinh tế gia đình. Năm 2011, cả nước có 12.727.903 gia đình được công nhận đạt Danh hiệu “Gia đình văn hóa” trong tổng số 17.312.198 gia đình (chiếm tỷ lệ 73.5%).

Trong gia đình, người phụ nữ được tôn trọng và được tham gia nhiều hơn vào các quyết định quan trọng vào hoạt động sản xuất nâng cao mức thu nhập về kinh tế. Phụ nữ có nhiều điều kiện hơn để tham gia học tập và các hoạt động xã hội, đặc biệt là phụ nữ ở thành thị.

Phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Nhiều cơ quan, tổ chức xã hội và các chương trình dự án phát triển đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, phòng, chống và hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình. 

Công tác tư vấn, hỗ trợ hôn nhân, gia đình được đẩy mạnh. Nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng, thu hút các nhóm phụ nữ tham gia, trong đó nổi bật là mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ gia đình không có tệ nạn xã hội, nhóm tín dụng tiết kiệm lồng ghép truyền thông dân số/sức khỏe sinh sản gắn với bình đẳng giới, mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau… Các mô hình mới trong tư vấn, hỗ trợ hôn nhân gia đình, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, phòng, chống bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ - trẻ em và các tệ nạn xã hội khác đã được triển khai thực hiện, như Trung tâm hỗ trợ kết hôn; Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; Ngôi nhà bình yên, đường dây nóng… bước đầu đáp ứng nhu cầu của các nhóm phụ nữ. Các mô hình nhóm trẻ gia đình, dịch vụ đưa đón con đi học, chăm sóc người cao tuổi, dịch vụ giúp việc gia đình đã được một số cấp hội thí điểm, góp phần hỗ trợ phụ nữ giảm bớt công việc gia đình để có điều kiện tham gia công tác xã hội nhiều hơn. 

Những kết quả quan trọng trên đây sẽ là tiền đề để chúng ta tiếp tục thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam trong 10 năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, bất bình đẳng giới trên các lĩnh vực vẫn còn tồn tại mà sự thiệt thòi chủ yếu vẫn thuộc về phụ nữ; hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới được coi là khá hoàn chỉnh nhưng chưa được thực hiện hiệu quả trên thực tế; bộ máy các cấp về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ đã được hình thành nhưng chưa ổn định và hiệu quả hoạt động còn thấp...

Bình đẳng giới là yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24-12-2010 với 2 quan điểm: Thứ nhất là xem Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là một bộ phận cấu thành quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người. Công tác bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Thứ hai là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, sự tham gia của mỗi cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng đối với công tác bình đẳng giới; huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới.

Mục tiêu của Chiến lược đến năm 2020 về cơ bản là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Chiến lược cũng đưa ra 7 mục tiêu cụ thể với 22 chỉ tiêu với nhóm giải pháp chung và các giải pháp cụ thể để thực hiện từng mục tiêu. 

Giai đoạn từ 2011 - 2015 hoạt động trọng tâm là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới - coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống. 

Một trong những điểm quan trọng để thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu cũng như xây dựng bộ chỉ số giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Bình đẳng giới. Ngoài ra còn có các hoạt động khác như hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thực hiện lồng ghép giới trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, dự án của các bộ, ngành và địa phương; tổ chức các hoạt động hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới trong một số lĩnh vực và vùng có khoảng cách lớn về bình đẳng giới; xây dựng một số mô hình điểm giai đoạn 2011 - 2015 để làm cơ sở xây dựng Chương trình quốc gia trong giai đoạn 2016 - 2020 với những điều chỉnh phù hợp.

Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ nhân rộng những mô hình thực hiện tốt trong giai đoạn 1 và tiếp tục xây dựng các mô hình mới về bình đẳng giới; khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu phục vụ công tác hoạch định chính sách; tăng cường chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, các sáng kiến hay, mô hình có hiệu quả về bình đẳng giới và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược.

Đây là mục tiêu rất quan trọng cần được tập trung triển khai với các biện pháp khảo sát, xây dựng đề án kiện toàn đội ngũ làm công tác bình đẳng giới các cấp, thực hiện chỉ tiêu “bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới”. Theo kết quả khảo sát trong năm 2010, chỉ có 9 tỉnh, thành phố trong cả nước có phòng bình đẳng giới, trong đó 4 địa phương có phòng bình đẳng giới riêng, còn 5 địa phương còn lại thì phòng bình đẳng giới ghép với phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em hoặc gọi là phòng bình đẳng giới và bảo hiểm xã hội. Kết quả khảo sát cho thấy, địa phương nào có tổ chức và được bố trí đủ nhân lực có chuyên môn thì việc quản lý nhà nước cũng có thuận lợi hơn.

Hằng năm, tiến hành tổ chức các đợt tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép vấn đề giới cho thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới. Cuối cùng là xây dựng mô hình thí điểm về thực hiện bình đẳng giới, trên cơ sở đó nhân rộng các mô hình tốt. Công tác bình đẳng giới phải gắn liền với những hoạt động xã hội thường xuyên ở cơ sở.

Thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó sẽ góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và xã hội./.

Theo Tạp chí Cộng sản

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay86
  • Tháng hiện tại38,781
  • Tổng lượt truy cập3,870,034
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây