Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, dù còn những khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam đã có những bước đi khá dài trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, trong đó nhiều dự án luật mới được xây dựng đã quan tâm, lồng ghép vấn đề này.
Đối với Luật bầu cử, hai vấn đề cốt lõi nhất để xem xét bình đẳng giới là ấn định tỷ lệ nữ giới trong ứng cử và lập danh sách ứng cử. Việc lập danh sách ứng viên phải đảm bảo cân đối, bình đẳng giữa các ứng viên trong mỗi đơn vị bầu cử.
Dẫn chứng một số thống kê trên thế giới về việc nữ giới tham gia lĩnh vực chính trị, bà Shoko Ishikawa, Đại diện Tổ chức phụ nữ Liên hợp quốc, cho rằng hiện tỷ lệ phụ nữ tham gia trong Quốc hội (Nghị viện) chưa cao, trung bình khoảng 24%, trong khi tỷ lệ vị trí Bộ trưởng là nữ chỉ khoảng 3,3%.
Việc nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong các quyết định nghị trường là cần thiết và cần tạo điều kiện thuận lợi để nữ giới phát huy khả năng, thể hiện vai trò của mình.
Để nâng cao số lượng cũng như chất lượng nữ đại biểu dân cử, ông Hà Minh Sơn, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đề xuất, các đơn vị, tổ chức cần phát huy trách nhiệm trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ để tạo nguồn giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là giải pháp mang tính cơ bản và lâu dài.
Nguồn "Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐ-TBXH"
Ý kiến bạn đọc