Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo và kết nối mạng lưới lãnh đạo nữ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội

Thứ bảy - 23/08/2014 15:20 823 0
Ngày 21/8/2014, tại Quảng Bình, Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo và kết nối mạng lưới lãnh đạo nữ ngành LĐ-TBXH”. Tham dự buổi tọa đàm có bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội Việt Nam – Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH; bà Trần Thị Thanh Thanh – Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; bà Nguyễn Thụy Bảo – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Hoài – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan cùng các tổ chức quốc tế. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chủ trì buổi tọa đàm.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
 

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, trong nhiều năm qua, ngành LĐ-TBXH có phát triển tốt trong công tác cán bộ nữ. Từ năm 1998 đến nay, Bộ luôn có nữ Bộ trưởng, có thời kỳ cả Bộ trưởng và Thứ trưởng đều là nữ. Đối với cấp Vụ và tương đương, phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở các đơn vị thuộc Bộ và các Sở LĐ-TBXH chiếm tỷ lệ khá cao, cụ thể: tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp Vụ và tương đương tại các đơn vị thuộc Bộ chiếm 42,4% trong tổng số cán bộ lãnh đạo, trong đó có 5/18 Thủ trưởng đơn vị thuộc khối đơn vị nhà nước là nữ (chiếm 27,8%); tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp Sở chiếm 23%, trong đó 13/63 Giám đốc Sở là nữ (chiếm 20,6%).

Đội ngũ cán bộ nữ ngành LĐ-TBXH đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng vào thành quả công tác chung, khẳng định vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của ngành, của địa phương và đất nước. Nói về ưu thế của phụ nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý, các nhà tâm lý học đã nghiên cứu và rút ra nhận xét rằng: phụ nữ có tâm lý nhạy cảm, ứng xử linh hoạt hơn nam giới. Phụ nữ tính tình thường mềm mỏng, phản ứng tích cực hơn trước hoàn cảnh khó khăn, nhận biết nhanh trước tình thế và ôn hòa, dễ đồng cảm, thân thiện, do đó dễ tạo ra mối quan hệ xã hội tốt hơn. Trong công việc, đặc biệt khi cần có sự đàm phán, vận động, thương thuyết nếu có sự tham gia của phụ nữ sẽ giảm bớt căng thẳng và dễ thành công hơn khi chỉ có nam giới. Đặc biệt, đối với Bộ, cơ quan phụ trách về lĩnh vực xã hội, giải quyết công việc cần sự mềm dẻo, linh hoạt, bên cạnh lý cần có chữ tình. Chị em lãnh đạo của ngành đã phát huy được thế mạnh đó. Tuy nhiên, những đóng góp của phụ nữ còn chưa tương xứng với tiềm năng của chị em, sự thiếu tự tin và tâm lý bằng lòng, an phận vẫn là lực cản cho sự phát triển của phụ nữ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ đặt ra tại Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 vẫn còn những tồn tại, thách thức: Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng đạt thấp (khoảng 25%) so với kế hoạch đặt ra tại Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 của ngành (40%). Tỷ lệ nữ quản lý, lãnh đạo còn thấp so với lực lượng lao động nữ, đặc biệt thủ trưởng đơn vị là nữ còn ít. Hiện nay, trong tổng số 63 đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, còn 34 đơn vị chưa có nữ tham gia lãnh đạo đơn vị, đặc biệt trong khối quản lý nhà nước vẫn còn 4 đơn vị chưa có nữ tham gia lãnh đạo, khối các Sở còn 17 đơn vị chưa có nữ tham gia quản lý, lãnh đạo. Tỷ lệ nữ trong diện quy hoạch cấp vụ thấp hơn khá nhiều (29%) so với hiện trạng (37%). Một số cấp ủy và chính quyền các cấp còn chưa nhận thức đầy đủ quan điểm công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng và là yêu cầu khách quan.

·                                 Cân bằng giữa trách nhiệm và tình yêu thương

Trong bầu không khí ấm áp, gần gũi, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm lãnh đạo, cân bằng cuộc sống gia đình và trọng trách của những người vợ, người mẹ đồng thời là người lãnh đạo cơ quan, đơn vị, thậm chí ở những cương vị cao hơn, gánh vác trọng trách quốc gia.
Dù không thể dự tọa đàm, song đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã gửi đến các đại biểu bài tham luận tâm huyết và sâu sắc về phẩm chất và năng lực của người phụ nữ, đặc biệt cần rèn luyện để trở thành người phụ nữ tự tin, có phẩm chất và trí tuệ.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Nghề Công tác xã hội cho rằng: Để ngày càng có nhiều phụ nữ nắm bắt được cơ hội, vươn lên bình đẳng với nam giới, ngay từ khi còn rất trẻ, phụ nữ cần được tập huấn các kiến thức kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng tranh cử, kỹ năng chiến thắng “đối thủ” và không thể thiếu kỹ năng mềm. Gợi mở những nhận thức về bản thân và con đường phát triển trong tương lai, đồng thời trang bị cho chị em những kỹ năng cần thiết, đó là con đường ngắn nhất giúp phụ nữ đạt được bình đẳng giới thực chất.
Bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam có những tâm sự sâu lắng nhất về công việc và gia đình. Người phụ nữ làm lãnh đạo trước tiên phải biết cân bằng về ý thức trách nhiệm và tình cảm yêu thương  đối với công việc cũng như đối với gia đình; Thứ hai: Xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tạo môi trường tốt cho công việc; Thứ ba là kết hợp một cách hài hòa, linh hoạt giữa công việc của cơ quan với kế hoạch sinh hoạt của gia đình; Thứ tư là luôn giữ cho mình ngọn lửa đam mê, chí hướng riêng; Thứ năm là cân bằng giữa công việc, gia đình và chăm sóc bản thân.
Thực tế cho thấy đối với cán bộ nữ quản lý, sự thành công trong sự nghiệp không thể thiếu sự ủng hộ, sự cảm thông và chia sẻ của gia đình. Cán bộ nữ đang giữ các cương vị lãnh đạo cần có ý thức quản lý tốt công việc cơ quan đồng thời phải có trách nhiệm đối với việc xây dựng và duy trì một gia đình hạnh phúc, bền vững.
Bà Lê Thị Dung, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Tuyên Quang, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Thái Nguyên, bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý, lãnh đạo, trong đó đồng quan điểm: người lãnh đạo nữ phải làm sao để xứng đáng với vị trí của mình chứ không phải được chiếu cố vì là phụ nữ. Bà Hằng nêu hiện tượng khi dân bầu thì tỷ lệ cán bộ nữ đạt cao, nhưng khi vào cấp ủy bầu thì lại giảm, như vậy chính trong hàng ngũ lãnh đạo lại có định kiến với phụ nữ.

·                                 Các đơn vị phải có lãnh đạo chủ chốt là nữ

Để làm tốt công tác phát triển cán bộ nữ, nâng cao vị thế của phụ nữ trong ngành, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Các cấp ủy Đảng và lãnh đạo các đơn vị trong ngành cần quán triệt sâu sắc quan điểm bình đẳng giới trong cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ nữ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo. Phải coi đây là trách nhiệm của Bí thư chi bộ, Thủ trưởng đơn vị. Các đơn vị hiện nay chưa có nữ tham gia lãnh đạo thì phải chủ động rà soát, bổ sung vào quy hoạch để tiến tới có lãnh đạo là nữ. Vụ Tổ chức Cán bộ phải tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đảm bảo tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đều phải có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đơn vị nào không có nguồn tại chỗ hoặc không đề bạt được từ nguồn tại chỗ thì Vụ Tổ chức Cán bộ có trách nhiệm tham mưu, đề xuất để Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ điều động, bổ nhiệm từ nơi khác về.

Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ cần tham mưu, đề xuất giải pháp bảo đảm đạt chỉ tiêu 100% đơn vị có nữ tham gia lãnh đạo đơn vị; Cần xây dựng quy hoạch “mở” và “động” để tất cả cán bộ nữ trong ngành đều có cơ hội phát triển. Ví dụ có thể xem xét, trao đổi, thống nhất với các cơ quan chức năng ở địa phương thí điểm luân chuyển một số cán bộ nữ có khả năng và điều kiện phát triển về các Sở, các địa phương công tác (để có thêm kinh nghiệm thực tế) trước khi đề bạt ở các đơn vị quản lý nhà nước.
Nghiên cứu áp dụng mô hình “Hướng dẫn/dìu dắt” của các lãnh đạo đi trước cho cán bộ cấp dưới và trong diện quy hoạch tại cấp Bộ và các đơn vị cơ sở, địa phương.
Bên cạnh đó, bản thân cán bộ nữ cũng cần thay đổi định kiến giới, tích cực tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo, chung tay đóng góp vào sự phát triển chung của ngành, của địa phương và đất nước. Phải biết tự trang bị cho mình kiến thức, trình độ chuyên môn, sẵn sàng vượt qua khó khăn, vượt qua trở ngại và trên hết là phải có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp của ngành. Phải có tấm lòng cầu thị và vị tha, sẵn sàng chia sẻ với chính mình và đồng nghiệp. Có như vậy, phụ nữ mới thực sự phát huy được thế mạnh của mình, vững vàng trên các vị trí công tác, sự tiến bộ của phụ nữ gắn liền với sự phát triển của đất nước.

(Nguồn:   www.molisa.gov.vn)

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay25
  • Tháng hiện tại45,322
  • Tổng lượt truy cập3,340,855
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây