Giải pháp nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển bền vững và hội nhập kinh tế

Chủ nhật - 08/09/2013 04:50 840 0
Bình đẳng giới luôn là mục tiêu quan trọng và nhất quán được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện trong những năm qua. Đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng cán bộ nữ, thể hiện qua nhiều nghị quyết, chỉ thị được ban hành.

 

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong 3 khâu đột phá quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó chỉ đạo các chỉ tiêu về cán bộ nữ cần đạt được vào năm 2020. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, trong đó mục tiêu 1 về “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị” và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, trong đó có dự án 3 về “Nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp; nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, nữ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch”.

 Những văn bản chỉ đạo nêu trên cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, trong đó có mục tiêu về tăng tỷ lệ cán bộ nữ. Như vậy, có thể nói, việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó bao gồm phát triển nguồn nhân lực nữ, lực lượng hiện chiếm hơn 50% dân số và khoảng 48% lực lượng lao động xã hội là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã đặt ra.

Kết quả thực hiện bình đẳng giới của nước ta được xếp hạng cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập. Việt Nam được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới, trong đó có nỗ lực tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước xóa bỏ khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị: Việt Nam là quốc gia có số lượng nữ đại biểu Quốc hội chiếm tỷ lệ cao trong khu vực (nhiệm kỳ XIII đạt 24,4%) và đứng thứ 43/143 quốc gia trên thế giới. Kết quả tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhiệm kỳ 2011-2016 là 25,17%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, thị xã là 24,62%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn là 21,71%.

Tính đến hết tháng 2/2013, có 14/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt, chiếm tỷ lệ 46,6%; có 23/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nữ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, đạt tỷ lệ 36,5% (giảm 1,59% so với năm 2011). Cũng trong nhiệm kỳ 2011-2016, tỷ lệ nữ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 4,76%  (tăng 3,2% so với nhiệm kỳ 2004-2009, trước khi có Luật Bình đẳng giới); cấp huyện là 6% (tăng 2,1%); cấp xã là 5,67% (tăng 1,58%); tỷ lệ nữ giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 19,05% (giảm 7,51%); cấp huyện 14,09% (giảm 5,55%); cấp xã là 13,06% (tăng 3%). Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có 2 ủy viên Bộ Chính trị là nữ.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận những vấn đề còn tồn tại và thách thức. Với truyền thống văn hóa Á Đông, phụ nữ Việt Nam đang còn chịu nhiều áp lực bởi khuôn mẫu, vai trò giới truyền thống, phụ nữ được trông đợi như một nhân lực chính để duy trì gia đình và chăm sóc con cái hơn là tham gia các hoạt động xã hội. Chính điều này đã phần nào hạn hế sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực và tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Mặc dù đội ngũ cán bộ nữ đã tăng cả về chất lượng và số lượng nhưng còn thấp so với nam giới và chưa tương xứng với tiềm năng và đông đảo lực lượng lao động nữ cả nước. So với quốc tế, tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý của nước ta nằm trong số ít nước có tỷ lệ cao tuy nhiên thứ bậc đang có xu hướng giảm sút so với các nước trong cùng khu vực và trên thế giới (do nước bạn có sự chuyển biến mạnh hơn về tỷ lệ này). Nếu như nhiệm kỳ trước, Việt Nam có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội dẫn đầu khối 8 nước ASEAN có Nghị viện thì nhiệm kỳ này đứng vị trí thứ 2 (sau CHDCND Lào). Những con số thống kê, tổng kết gần đây cho thấy có nguy cơ không đạt các chỉ tiêu về cán bộ nữ đã đề ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã bước sang năm triển khai thứ 3. Chúng ta cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân khóa tới. Để nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược đặt ra, có rất nhiều việc cần phải thực hiện quyết liệt từ cơ chế, chính sách tới triển khai thực hiện, nâng cao nhận thức cũng như sự hỗ trợ và đóng góp của các tổ chức quốc tế, cụ thể là:

Thứ nhất, cần xây dựng và thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ, trong đó:

- Các cấp ủy Đảng có trách nhiệm lãnh đạo xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về cán bộ của Đảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Đối với cán bộ nữ đồng thời với việc xây dựng quy hoạch, phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để chủ động về nhân sự; đề bạt, bổ nhiệm cần bảo đảm tiêu chuẩn của từng chức danh, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy được  thế mạnh, ưu điểm của cán bộ nữ. Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm.

- Xây dựng và thực hiện chương đào tạo cán bộ nữ theo từng lĩnh vực, gắn với quy hoạch. Trong đó, đặc biệt coi trọng  phát  triển đội ngũ cán bộ nữ lãnh  đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn. Đào tạo nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực nữ cho phát triển kinh tế tri thức; cần bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại  các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính Nhà nước từ 30% trở lên. Thực hiện cử tuyển đào tạo cán bộ nữ trong các dân tộc thiểu số, tôn giáo và trong các lĩnh vực có tỷ lệ cán bộ nữ qúa thấp. Phổ cập tin học cho cán bộ nữ các cấp. Đây cũng là một trong những hoạt động mà Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ khu vực Nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” của chúng ta có thể có những đóng góp tích cực.

Thứ hai, phải có chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ.

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện tốt các chính sách nhằm phát triển cán bộ nữ trong nghiên cứu khoa học, trong lãnh đạo, quản lý. Có chính sách cụ thể về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển đối với cán bộ nữ, đặc biệt quan tâm cán bộ nữ là trí thức, công nhân, người dân tộc thiểu số, tôn giáo; chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ đi học có con nhỏ.

- Công tác tạo nguồn cán bộ nữ cần được đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia. Ưu tiên tuyển cán bộ nữ, lao động nữ có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học. Chăm lo bồi dưỡng, phát triển tài năng là nữ.

- Bồi dưỡng phát triển đảng viên nữ cân đối giữa các khu vực. Chú trọng việc bố trí, phân công công tác để đảng viên nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.

Ba là, huy động nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan có trách nhiệm trong toàn hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ để triển khai thực hiện thành công các dự án trọng tâm của Chương trình quốc gia về bình dẳng giới giai đoạn 2011-2015 về nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về bình đẳng giới; hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới trong những ngành, lĩnh vực, vùng địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao; hỗ trợ xây dựng, phát triển dịch vụ tư vấn về bình đẳng giới và đặc biệt là dự án nâng cao năng lực cho đội ngũ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, cán bộ nữ thuộc diện quy hoạch.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình hành động của mình nhằm tăng số lượng nữ lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến địa phương, trong đó có chú ý đào tạo đội ngũ kế cận. Nên có những hạn ngạch về số lượng phụ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ở một số cơ quan quan trọng, thiết lập các mạng lưới chuyên ngành cho phụ nữ, giúp phụ nữ có động  lực và tham gia nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, cần hình thành các dịch vụ xã hội thân thiện hơn để phụ nữ có thể tham gia và phát triển vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống chứ không nên đòi hỏi người phụ nữ phải lựa chọn hoặc là gia đình hoặc công việc.

Bốn là, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới các cấp với tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu, chính thức phân công một số cơ quan của Chính phủ có chức  năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác phụ nữ.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế (đa phương, song phương và phi Chính phủ) trong công tác bình đẳng giới và vận động nguồn lực hỗ trợ việc triển khai Chiến lược gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020./.

 

(Theo www.molisa.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập58
  • Hôm nay1,386
  • Tháng hiện tại38,664
  • Tổng lượt truy cập3,928,962
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây