Toàn cảnh Hội nghị |
Theo báo cáo được trình bày tại Hội nghị, trong năm 2014, Cục đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ, Bộ, liên Bộ ban hành 01 Nghị quyết, 02 Quyết định, 02 Thông tư liên tịch, Thông tư của Bộ và 02 Quyết định của Bộ LĐ-TBXH. Ngoài ra, Cục còn tham gia góp ý xây dựng hơn 70 dự thảo văn bản pháp luật trong và ngoài Bộ.
Về công tác phòng, chống mại dâm: Năm 2014, để có cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, việc xây dựng mô hình hỗ trợ được tiếp tục chỉ đạo thí điểm ở 40 tỉnh, thành phố với kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Hiện nay, trên toàn quốc đã xây dựng 346 mô hình phòng chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng (xây dựng mới 146 mô hình, duy trì 200 mô hình); số người bán dâm được tư vấn, hỗ trợ là 1.206 người, số người có nguy cơ cao được tư vấn, hỗ trợ là 4.439 người.
Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm và các ngành chức năng của 63 tỉnh, thành phố địa phương đã kiểm tra 24.821 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 10.626 cơ sở vi phạm. Trong đó, xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 3.074 cơ sở; phạt tiền 9.060 cơ sở với số tiền phạt hơn 16 tỷ 2423 triệu đồng; đình chỉ kinh doanh và thu hồi giấy phép đối với 129 cơ sở; chuyển cơ quan chức năng xử lý 187 cơ sở liên quan đến hoạt động mại dâm.
Về công tác cai nghiện phục hồi: Năm 2014, các Trung tâm đã tiếp nhận vào cai nghiện cho 6.337 người (cai tự nguyện là 3.232, cai bắt buộc là 3.105), chủ yếu là những người đã có quyết định trước khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực. Trung tâm do tổ chức, cá nhân thành lập đã tiếp nhận cai nghiện cho 3.681 lượt người nghiện, chủ yếu các Trung tâm thực hiện giai đoạn điều trị hỗ trợ cắt cơn với thời gian từ 15 – 30 ngày.
Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 4.714 người, tương đương với 2,3% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; trong đó, số cai tại gia đình 2.968 người (63%) và số cai tại cộng đồng là 1.746 người ( 37%). Một số mô hình cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng bước đầu đạt kết quả tốt như: cai nghiện bằng Cedemex tại Thái Nguyên, Hưng Yên; cai nghiện tại cộng đồng tại Nam Định… cần phải tổng kết để nhân rộng. Hiện nay khó khăn nhất là đối với người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy “đá” là chưa có các giải pháp hỗ trợ điều trị phù hợp.
Về công tác tuyên truyền và xây dựng đội công tác xã hội tình nguyện: Tổ chức 05 lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, giảng viên nguồn, nâng cao năng lực tại Ninh Bình, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Hòa Bình, Hải Dương; xây dựng 4 phim phóng sự về mô hình cai nghiện, mô hình Đội tình nguyện và mô hình giúp đỡ người hoàn lương phát sóng trên Đài THVN, Đài TNVN. Có 38/63 tỉnh, thành phố (tăng thêm 5 tỉnh, thành phố) thành lập Đội tình nguyện với 2.509 Đội, gồm 16.751 tình nguyện viên. Cả nước đã duy trì và xây dựng mới được 3.539/11.151 xã, phường, thị trấn duy trì và xây dựng mới đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có cả tệ nạn ma túy và tệ nạn mại dâm; 9.296 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm; đăng ký xây dựng mới 496 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm và 841 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng lành mạnh không có tệ nạn ma túy và mại dâm.
Về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán: Năm 2014, cả nước đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ cho trên 668 nạn nhân bị mua bán trở về (trong đó qua trao trả song phương là 353 nạn nhân, giải cứu 158 nạn nhân và tự trở về 157 nạn nhân). Trên 90% số nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được hỗ trợ các dịch vụ liên quan như: trợ cấp khó khăn ban đầu, học nghề, tạo việc làm, vay vốn sinh kế, khám chữa bệnh và trợ giúp pháp lý...
Trong năm 2014, Cục đã vận động, tiếp nhận và tổ chức thực hiện các chương trình dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm 100% nhiệm vụ được thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ; Tổ chức thành công hội thảo quốc tế tham vấn đối tác về lĩnh vực Phòng, chống tệ nạn xã hội tại Việt Nam với sự tham gia của 11 bộ, ngành Trung ương, 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức quốc tế.
Ý kiến bạn đọc