Theo báo cáo tại hội nghị, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, số vụ, số lượng, số loại ma túy bị cơ quan chức năng bắt giữ ngày càng tăng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã phát hiện, điều tra hơn 10.250 vụ, bắt trên 15. 200 đối tượng phạm tội, thu giữ gần 480 kg heroin, gần 200.000 viên ma tuý tổng hợp…
Việc buôn bán ma túy ngày càng tăng sẽ kéo theo tăng số lượng người sử dụng loại chất cấm này. Theo Cục phòng chống tệ nạn xã hội, cả nước có gần 182.800 người nghiện ma túy. Trung bình mỗi năm tăng 6%. Hiện có 140 trung tâm cai nghiện ma túy tại 60 tỉnh thành và có 32 trên 63 tỉnh thành tiến hành cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng, trong đó đã tổ chức cai nghiện cho trên 10.000 người nghiện.
Theo nhiều ý kiến của các đại biểu trong hội nghị có nhiều vướng mắc trong việc đưa người đi cai nghiện, tuy nhiên từ đầu năm đến nay chưa đơn vị nào thực hiện được việc đưa người nghiện từ 18 tuổi trở lên vào cai nghiện tại các cơ sở bắt buộc. Nguyên nhân là do các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định xử lý người nghiện ma túy trong Luật xử lý vi phạm hành chính còn chậm ban hành. Điều này khiến cho xã hội bất an khi nhiều người nghiện đang ở ngoài cộng đồng.
Đại diện Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội ở một số địa phương cho biết, theo Luật xử lý vi phạm hành chính, việc lập hồ sơ của đối tượng nghiện ma túy là do Phòng lao động – thương binh và xã hội phối hợp với công an cấp huyện để đưa vào cơ sở cai nghiện. Nhưng trong Nghị định số 221/2013/NĐ-CP lại quy định, cơ quan công an phối hợp phòng lao động – thương binh và xã hội để lập hồ sơ đối tượng. Như vậy, chưa có sự thống nhất về cơ quan chủ quản trong việc này nên đề nghị cần xác định thống nhất về cơ quan chủ quản để lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện. Một đại diện Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội khác cho hay, hiện trên địa bàn mình có trên 120 người nghiện ở địa phương và trên 150 người nghiện ở nơi khác đến sinh sống. Nhưng do vướng mắc thủ tục lập hồ sơ, xác định tình trạng nghiện nên địa phương chỉ mới xử phạt hành chính các đối tượng rồi thả ra mà không thể đưa vào cơ sở cai nghiện. Tại địa phương cũng lúng túng khi lập hồ sơ cho đối tượng là người nghiện dưới 18 tuổi nên đề nghị các bộ, ngành có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.
Từ thực tế nêu trên, các đại biểu kiến nghị các Bộ, ngành chức năng xây dựng và quy định các nội dung cụ thể, rõ ràng hơn. Chẳng hạn như Bộ Y tế phải có hướng dẫn xác định cơ sở nào được khám kết luận tình trạng nghiện, Bộ Công an hướng dẫn các bảng biểu mẫu quy trình, thủ tục lập hồ sơ, Bộ Tài chính có hướng dẫn về quản lý tài chính trong triển khai công tác cai nghiện ma túy…
Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận việc triển khai các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đưa vào cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy, thực trạng công tác giáo dục người nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn; vai trò của tổ chức dân sự trong việc hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng; tình hình ma túy tại Việt Nam và nhiệm vụ trọng tâm của công tác này năm 2015 và những năm tới, triển khai đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020…
(Nguồn: www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc