Tổng kết 5 năm thi hành Luật Dạy nghề

Thứ tư - 29/08/2012 17:20 773 0
Ngày 22/8, tại TPHCM, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Dạy nghề. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi tham dự và chủ trì Hội nghị. Cùng dự còn có bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam, lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị có liên quan...

 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh: “Hội nghị nhằm tổng kết đánh giá những kết quả đạt được và những bất cập, vướng mắc, khó khăn sau 5 năm thi hành Luật Dạy nghề. Từ đó, đề xuất một số nội dung cần sửa đổi bổ sung vào Luật Dạy nghề để sát với thực tế cuộc sống nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề của nước ta đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Sau 5 năm, chúng ta đã có những thành công từ cơ sở vật chất, quy mô đào tạo từ sơ cấp, trung  cấp đến cao đẳng dạy nghề và đội ngũ giáo viên phát triển khá đồng đều. Tuy nhiên, để đến năm 2020 Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại thì đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho người lao động trở thành vấn đề hết sức quan trọng hiện nay. Trên cơ sở đánh giá kết quả 5 năm qua, cần phải xem xét khách quan đã đạt được cái gì, chưa được cái gì, những vướng mắc như thế nào và các ý kiến, kiến nghị đề xuất để tới đây tiếp tục sửa đổi Luật dạy nghề ngày càng hoàn thiện hơn. Hội nghị này cũng chính là cơ hội để các đồng chí cùng thảo luận 9 nhóm giải pháp về chất lượng dạy nghề hướng tới chuẩn hóa đội ngũ, cơ sở vật chất. Các đồng chí cần phải thể hiện tinh thần trách nhiệm làm việc hiệu quả, tránh hình thức để tổng kết vấn đề dạy nghề là đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp lao động sản xuất trong các ngành kinh tế của đất nước”. 

 

 

 

Sau 5 năm thi hành Luật Dạy nghề, chất lượng đào tạo nghề dù ngày càng được nâng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động về tay nghề, về các kỹ năng mềm …Trình độ lao động Việt Nam còn có khoảng cách lớn so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới; cơ cấu đào tạo nghề và trình độ đào tạo chưa hợp lý. Dạy nghề cho lao động nông thôn để chuyển dịch sang khu vực công nghiệp và dịch vụ còn chậm; giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; quản lý nhà nước về dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dạy nghề; chưa hình thành được những cơ sở dạy nghề chất lượng cao và trung tâm đào tạo nghề ở các vùng; sự tham gia của doanh nghiệp vào dạy nghề còn hạn chế…

Do đó, một số nội dung cơ bản của Luật Dạy nghề cần sửa đổi bổ sung là: Đối với trình độ dạy nghề, trong đó, dạy nghề trình độ trung cấp cần chia làm 2 loại: từ một đến hai năm học tùy theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THCS để được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp nghề bậc 1 (không được liên thông lên trình độ cao hơn) và từ một đến hai năm tùy theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THPT; đối với người có bằng tốt nghiệp THCS phải thêm thời gian học văn hóa lấy bằng THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp trung cấp nghề bậc 2 (được học lên trình độ cao hơn). Dạy nghề trình độ sơ cấp thì quy định cụ thể số giờ thực học tối thiểu.

Về giáo viên dạy nghề không nên tách thành 2 loại giáo viên (lý thuyết và thực hành), chỉ có 1 loại giáo viên dạy nghề là tích hợp cả lý thuyết và thực hành và phải có trình độ chuẩn gồm chuyên môn, kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm dạy nghề. Về cơ sở dạy nghề cần xác định rõ loại hình sở hữu của các cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các cơ sở dạy nghề thuộc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và các cơ sở giáo dục chỉ nên tập trung vào việc thực hiện đào tạo hệ chuyên nghiệp không nên tham gia đào tạo nghề. Ngoài ra, cần phải quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề ( xây dựng chương trình, phối hợp với cơ sở dạy nghề trong tổ chức đào tạo…). Nếu doanh nghiệp không tham gia được hoạt động dạy nghề thì phải đóng góp  khoản kinh phí dạy nghề theo quy định….

Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả đạt được sau 5 năm thi hành Luật Dạy nghề.  Ông Lê Trọng Sang – Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH TPHCM cho rằng: hoạt động dạy nghề vẫn còn đứng trước những khó khăn, bất cập mà nổi bật là số lượng tuyển sinh và tốt nghiệp hàng năm tăng nhưng còn chậm. Bất cập trên 3 phương diện là: về số lượng khi tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo trước khi tuyển dụng tại các doanh nghiệp còn ở mức cao; về ngành nghề khi nhiều ngành nghề cần lao động qua đào tạo không tuyển đủ nhân lực; về chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao. Bên cạnh đó, là đầu tư chưa tương xứng và chưa huy động được doanh nghiệp tham gia đào tạo, “ Hiệu quả sử dụng tay nghề qua đào tạo – sự chấp nhận của thị trường lao động” chưa được cấu thành tiêu chí đánh giá chất lượng. Ông Sang đề nghị: tại TPHCM có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đăng ký học nghề để nâng cao tay nghề thực hành nên giai đoạn một số năm trước mắt hoặc trong thời gian giáo dục đại học chuyển biến trong thực hiện mục tiêu về năng lực thực hành nghề thì cần thiết có trình đôạ đào tạo cao hơn trình độ cao đẳng nghề. Ngoài ra, trong Luật không nên giới hạn thời gian đào tạo nghề sơ cấp “ đến dưới một năm”; cần làm rõ việc thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài tại điều 52. Đồng thời, đề nghị bổ sung nội dung điều chỉnh về đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội và việc đầu tư các vùng kinh tế trọng điểm trong phát triển dạy nghề ngang tầm khu vực và thế giới.

Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề, đại biểu Trần Thẩm – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Dầu khí – Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chỉ ra: Tại khoản 4 điều 55 của Luật Dạy nghề đã khẳng định rất rõ doanh nghiệp được quyền tham gia những mảng quan trọng trong hoạt động dạy nghề. Tuy nhiên, sự bất cập trong việc liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề là do Luật chưa quy định rõ cơ chế chính sách để thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề. Do đó, ông kiến nghị: Luật dạy nghề cần đưa ra được các quy định, cơ chế cụ thể góp phần vào giải quyết các vấn đề: đào tạo theo nhu cầu xã hội mà cụ thể là nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp về số lượng và chất lượng. Qua đó, khắc phục được tình trạng thiếu – thừa nhân lực trong đào tạo và sử dụng; từng bước thu hẹp khoảng cách giữa sản phẩm đào tạo và nhu cầu thực tế; tạo được chủ động cho các cơ sở dạy nghề và cho các đơn vị sử dụng lao động đặc biệt là các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hẳng – Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam cho rằng, cần làm rõ quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật Dạy nghề là gì để từ đó có cơ sở sửa đổi phù hợp. Luật Dạy nghề mới ra đời được 5 năm nên việc đánh giá và đề xuất sửa đổi 19 nội dung như đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần được xem xét trên mọi khía cạnh cụ thể.

Ngoài ra, Hội nghị đã được nghe 12 tham luận của các trường, đơn vị đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước về việc thực hiện Luật Dạy nghề. Một điểm chung của các bài tham luận nêu trên đều xoay quanh vấn đề cần sửa đổi và điều chỉnh lại Luật dạy nghề cho phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời, Luật cần quy định các điều, khoản cụ thể trong việc quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo, về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cũng như việc phân luồng học sinh phổ thông để có hướng đào tạo nguồn nhân lực. Mặt khác, các đại biểu cũng kiến nghị cần đưa thang, bảng lương vào trong Luật Dạy nghề sửa đổi sắp tới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học nghề.

 

Theo ông Nghiêm Trọng Quý – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề, Luật Dạy nghề đã được Quốc Hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ 1 tháng 6 năm 2007. 5 năm qua, Luật đã thực sự đi vào thực tiễn, là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển dạy nghề, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề. Các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc khi ban hành 142 văn bản quy phạm pháp luật về dạy nghề  để lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật. Đồng thời, áp dụng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tư vấn pháp luật, xuất bản sách hỏi đáp, phát tờ rơi… Có 4.000 lượt cán bộ là lãnh đạo các Sở LĐTB & XH, cán bộ quản lý dạy nghề của các Bộ ngành, địa phương và giáo viên trong cả nước được bồi dưỡng, tập huấn về Luật Dạy nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề mở rộng, phân bố tương đối hợp lý ở các ngành kinh tế, địa phương, vùng, miền. Tính đến tháng 12/2011 cả nước có 136 trường cao đẳng nghề (34 trường ngoài công lập), 307 trường trung cấp nghề ( 99 trường ngoài công lập), 849 trung tâm dạy nghề (324 trung tâm ngoài công lập) và hơn 1.000 cơ sở khác tham gia dạy nghề, tăng 1,5 lần so với năm 2006. Đến tháng 5/2012 đã có danh mục nghề của 386 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng, 462 nghề đào tạo ở trình độ trung cấp. Hiện nay, cả nước có 33.270 giáo viên dạy nghề tại các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề, gần 16.000 giáo viên thuộc các cơ sở khác có tham gia dạy nghề, tăng 1,6 lần so với năm 2006.Tỷ lệ giáo viên có trình độ đại học trở lên tại các trường cao đẳng nghề chiếm 69,42% và ở các trường trung cấp nghề là 48,96%. Khoảng 65% số giáo viên trong các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề có trình độ kỹ năng nghề là giáo viên dạy thực hành, trong đó có 41% dạy cả lý thuyết và thực hành. Ngoài ra, về cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, về kiểm định chất lượng dạy nghề, về đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia…đều đạt kết quả nhất định.

Nguồn: www.molisa.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay935
  • Tháng hiện tại48,201
  • Tổng lượt truy cập3,343,734
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây