Về nội dung, Bản thỏa thuận này về cơ bản giống với Bản thỏa thuận cũ được hai bên ký kết trong năm 2013. Bản thỏa thuận gia hạn có giá trị trong vòng 1 năm kể từ ngày ký. Theo đó, sẽ có hơn 7.000 người lao động đã đạt yêu cầu qua các kì kiểm tra tiếng Hàn thông thường, các kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt từ tháng 12/2011 đến nay và những người lao động sẽ tham dự kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt năm 2015 sẽ có cơ hội được sang hoặc trở lại Hàn Quốc làm việc.
Giao lưu, tư vấn pháp luật cho người lao động Việt Nam theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc
Bản MOU đặc biệt được ký kết vào đúng thời điểm phía Hàn Quốc giới thiệu lao động đợt 2 năm 2015 cho các chủ sử dụng lao động lựa chọn. Được biết, từ nay đến cuối năm 2015, Hàn Quốc sẽ dành 36.000 chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc theo Chương trình EPS, trong đó đợt này sẽ có khoảng 13.000 người lao động được tuyển dụng. Với 10.000 chỉ tiêu dành riêng để tiếp nhận lại những người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc và về nước đúng thời hạn, thì việc ký gia hạn bản MOU đặc biệt lần này đã tạo cơ hội cho những khoảng trên 7.500 người lao động sẽ hết hạn hợp đồng lao động năm 2015 được trở lại Hàn Quốc làm việc.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, trong đàm phán ký kết, hai bên đều thống nhất tăng cường thực hiện các biện pháp giảm tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc. Bộ LĐ-TBXH sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các địa phương có nhiều lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc, tăng chế tài xử phạt nặng, tăng mức ký quỹ lên tới 100 triệu đồng…
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, nguyên nhân chính khiến tình trạng lao động bỏ trốn không giảm là ý thức chấp hành còn thấp, các biện pháp xử lý khi họ vi phạm chưa được hiệu quả.
Thời gian qua, Hàn Quốc đã thông qua nhiều giải pháp quan trọng nhằm giảm tình trạng người nước ngoài cư trú bất hợp hợp pháp, như: Tăng cường kiểm soát xuất nhập cảnh, cấp visa; đẩy mạnh việc truy quét người cư trú bất hợp pháp thông qua việc thành lập các đội liên ngành; nghiên cứu sửa đổi “Luật quản lý xuất nhập cảnh”; miễn xử phạt đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện trình diện, đăng ký về nước…
Nguồn "Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐ-TBXH"
Ý kiến bạn đọc