Chia sẻ kinh nghiệm các chương trình hỗ trợ giảm nghèo và trợ giúp xã hội từ Braxin và Nam Phi

Chủ nhật - 02/09/2012 03:15 808 0
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường hỗ trợ xã hội để giúp đạt mức sống tối thiểu cho mọi người dân”, trong tháng 4/2012, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức 2 đoàn đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm ở Braxin và Nam Phi.

 

Đoàn đi Braxin do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn nghiên cứu về những cải cách về bảo trợ xã hội và giảm nghèo; trong chuyến đi này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp và Thứ trưởng Bộ Phát triển xã hội Romulo Paes ký chương trình hành động nhằm thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về đấu tranh chống đói nghèo đã ký ngày 10/7/2008 tại Hà Nội. Đoàn đi Nam Phi do Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm dẫn đầu để trao đổi, học tập kinh nghiệm về thiết kế và triển khai chương trình trợ giúp xã hội lấy trẻ em làm trọng tâm.
Ngày 18/5/2012, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của 2 đoàn công tác, và rút ra bài học cho Việt Nam trong việc thiết kế chương trình, chính sách trong thời gian tới.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Braxin chủ trương gắn phát triển kinh tế với xóa đói giảm nghèo, nhờ đó khoảng 28 triệu người dân nước này đã thoát khỏi tình trạng bần cùng. Tuy nhiên, hiện còn khoảng 16 triệu người vẫn phải sống trong cùng cực của nghèo khổ. Ngày 2/6/2011, Chính phủ nước này đã công bố chương trình “Braxin không còn cảnh nghèo cùng cực”, trong đó đề ra mục tiêu xóa tình trạng này vào năm 2014. Braxin hi vọng sẽ trở thành nước đang phát triển đầu tiên hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ thứ nhất của Liên hợp quốc là loại trừ tình trạng bần cùng và thiếu ăn.

Theo TS. Đặng Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, bối cảnh lịch sử của Bzaxin 10 – 15 năm trước và Việt Nam hiện nay có nhiều điểm tương đồng trong quản lý và thực hiện các chương trình, chính sách. Về cơ bản, các chương trình này đều có đặc điểm là mức độ bao phủ thấp, chồng chéo nhau về nhóm đối tượng hưởng. Sự hợp nhất nhiều chương trình đang hoạt động chồng chéo nhau là cần thiết và Braxin đã xây dựng chương trình trợ cấp gia đình Bolsa Familia (BFP) vào năm 2003 với mục tiêu tăng cường tính hiệu quả và sự gắn kết của các chương trình trợ cấp trước kia; giảm nghèo đói và bất bình đẳng bằng cách trợ cấp mức thu nhập tối thiểu cho hộ gia đình nghèo; tăng cường các quyền tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản đối với giáo dục và y tế thông qua việc sử dụng các dịch vụ này như là điều kiện để được hưởng hỗ trợ tiền mặt; định hướng và tăng cường mong muốn của người hưởng lợi tham gia thị trường lao động.

Bên cạnh BFP, Braxin còn có nhiều chương trình hỗ trợ bằng tiền mặt khác như hỗ trợ lương hưu cho nông dân, hỗ trợ xã hội có thẩm định (cho người khuyết tật, người già…), tuy nhiên, BFP vẫn là chương trình hỗ trợ bằng tiền mặt lớn nhất, với số lượng gia đình thụ hưởng đạt mức hơn 13,3 triệu hộ. Cùng với các chính sách, chương trình hoạt động khác, BFP đã thực hiện các mục tiêu đề ra và góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy tiếp cận dịch vụ xã hội cho người nghèo, giảm lao động trẻ em, giảm cưỡng bức lao động phụ nữ.  Braxin đạt được thành tích lớn trong xóa đói giảm nghèo là nhờ sự phối hợp tốt giữa các bộ liên quan và ở cấp cơ sở đã hình thành các tổ chuyên trách hỗ trợ người nghèo. Ngoài ra, Braxin đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về những người nghèo, từ đó triển khai có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế và nâng cao giáo dục cho đối tượng này.

Trong chuyến thăm Braxin, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đánh giá quốc gia này đã đạt được thành tích lớn trong xóa đói giảm nghèo là nhờ sự phối hợp tốt giữa các bộ liên quan và ở cấp cơ sở đã hình thành các tổ chuyên trách hỗ trợ người nghèo. Ngoài ra, Braxin đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về những người nghèo, từ đó triển khai có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế và nâng cao giáo dục cho đối tượng này. Liên hệ chương trình giảm nghèo bền vững cho Việt Nam, đoàn công tác đã rút ra những bước thực hiện mà Việt Nam nên triển khai: Xây dựng hệ thống đăng ký đối với hộ nghèo và cận nghèo; Xây dựng và xác định chuẩn mức sống tối thiểu với hệ thống các chỉ số giám sát phù hợp; Xây dựng chương trình trợ giúp xã hội hợp nhất; Xây dựng cơ chế phối hợp từ cấp trung ương đến địa phương để thực hiện trợ cấp xã hội.

Đại diện đoàn công tác Nam Phi cũng đã có nhiều chia sẻ những kinh nghiệm học tập tại nước bạn với mục đích giúp Chính phủ trong quá trình lựa chọn các phương án chính sách phù hợp. Theo chia sẻ, các loại trợ giúp xã hội (8 loại chính) ở nước này được thực hiện và quản lý bởi Cơ quan an sinh xã hội (SASSA), được cung cấp bằng tiền mặt hoặc hiện vật trên cơ sở hỗ trợ các nhu cầu tối thiểu của cá nhân và tất cả các loại trợ cấp (trừ chăm sóc thay thế) đều được xác định dựa trên khả năng tài chính, bản thân người thụ hưởng phải có trách nhiệm chứng minh là họ cần khoản trợ cấp này. Đặc biệt, mức độ hỗ trợ được điều chỉnh tăng theo lạm phát và mặc dù số lượng đối tượng tăng nhanh nhưng chi theo % GDP gần như không thay đổi do tăng trưởng kinh tế.

Riêng về chính sách hỗ trợ cho trẻ em ở Nam Phi được ghi nhận là có mức chi phí thấp nhất về mặt tài chính nhưng đạt được độ bao phủ cao nhất về số lượng trẻ em được hưởng lợi, năm 2011 đã hỗ trợ cho gần 10 triệu/19 triệu trẻ em. Theo đánh giá của ông Paul Quarles Van Ufford, Trưởng phòng Kế hoạch và chính sách xã hội của UNICEF, các chương trình trợ cấp xã hội của Nam Phi đã có tác động về mọi mặt đối với người dân, riêng đối với nhóm trẻ em, các bằng chứng tác động của chương trình hỗ trợ cho trẻ em cho thấy đã giảm tình trạng đói ăn ở trẻ, tăng phần trăm tỷ lệ nhập học của trẻ, tạo cơ hội cho bà mẹ đi làm, cải thiện khả năng chăm sóc trẻ từ việc mua sắm những vật thiết yếu cho trẻ đến tăng về thể lực của trẻ; đặc biệt, chương trình đã tác động mạnh tới trẻ em nông thôn, mồ côi và trẻ sống trong các khu ổ chuột.

Qua thực tiễn của Nam Phi, đoàn khảo sát đã rút ra một số khuyến nghị và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam: Cải cách các chính sách trợ giúp cho trẻ em nghèo; Thiết kế chương trình hỗ trợ tiền mặt cho trẻ em, có thể thực hiện thí điểm ở các vùng nghèo, hải đảo, vạn chài; Lấy hộ gia đình là đối tượng hỗ trợ; Thiết kế mở rộng diện đối tượng, theo nhóm tuổi hưởng lợi theo từng giai đoạn; Kết nối quản lý các chương trình trợ giúp xã hội thông qua mã số an sinh xã hội hoặc CMND; Tách công tác chi trả với công tác quản lý, xác định đối tượng hỗ trợ; Đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ các cấp.

Theo www.molisa.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay1,729
  • Tháng hiện tại39,007
  • Tổng lượt truy cập3,929,305
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây