Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có: Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, đại diện các Cục, Vụ, Viện. Về phía Uỷ ban Dân tộc có: Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử, Ông Nông quốc Tuấn – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và các cán bộ thuộc các đơn vị của Uỷ ban.
Đại diện Bộ lao động Thương binh và Xã hội đã tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm qua, bao gồm các lĩnh vực: Bảo trợ xã hội, Dạy nghề, Việc làm và thị trường lao động, Quản lý lao động ngoài nước; chỉ ra những nguyên nhân còn tồn tại và đề ra các kiến nghị khắc phục khó khăn trên. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: “Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao Tổng cục Dạy nghề rà soát các chính sách của Quyết định 267/QĐ-TTg để xây dựng dự thảo. Sau hơn 2 năm, việc thực hiện dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được các địa phương ưu tiên hỗ trợ nhằm giúp bà con có việc làm hoặc tự tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao năng suất lao động. Từ năm 2010 đến năm 2011, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho 798.240 người theo chính sách của Đề án, trong đó, 32,6% là đối tượng 1 (hưởng chính sách ưu đãi của người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác). Người nghèo hiện nay đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập…
Toàn cảnh buổi làm việc |
Bộ trưởng cho rằng, từ năm 2006 đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia về việc làm đã đầu tư cung cấp trang thiết bị cho 40 Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc ngành LĐTBXH. Nhiều Trung tâm đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các huyện vùng sâu, vùng xa, huyện miền núi với chủ đề việc làm và xuất khẩu lao động cho đồng bào. Các sàn giao dịch đã góp phần kết nối cung - cầu lao động và đặc biệt là đã đem lại cơ hội cho người nghèo, đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với thị trường lao động…
Tuy nhiên, lực lượng cán bộ làm công tác lao động - xã hội ở cơ sở còn mỏng, chưa có cán bộ chuyên trách. Một số địa phương còn chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ được phân công. Trình độ văn hoá, tay nghề, tình trạng sức khoẻ và nhận thức của người dân địa phương về xuất khẩu lao động còn hạn chế cộng thêm những khó khăn về địa hình, địa bàn cư trú của dân cư rải rác, phân tán, xa trung tâm cụm xã, huyện thực sự là trở ngại lớn đối với việc triển khai và thực hiện các chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bộ trưởng đề nghị Uỷ ban Dân tộc phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước tại các vùng này cũng như trong việc hoàn thiện các hợp phần đào tạo nghề cho lao động nông thôn có tính đặc thù cho người dân tộc thiểu số.
Tại buổi làm việc, phía Uỷ ban Dân tộc cũng đưa ra một số đề xuất như: Đề nghị tăng chỉ tiêu đào tạo nghề cho trường nội trú cấp tỉnh; đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại, trang bị ban đầu đối với người học nghề là người dân tộc thiểu số tại các trường Cao đẳng nghề và Trung cấp nghề được hưởng như mức hỗ trợ đối với học sinh trường Dân tộc nội trú; phối hợp, thống nhất với các Bộ, ngành để phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống trường Trung cấp chuyên nghiệp và Dạy nghề gắn với quy hoạch và phát triển nhân lực cũng như nhu cầu sử dụng lao động của địa phương…
Theo www.molisa.gov.vn
Ý kiến bạn đọc