Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi (2010-2014)

Thứ năm - 03/07/2014 15:45 765 0
Sáng ngày 30/6/2014, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TBXH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức Hội thảo định hướng về xây dựng kế hoạch đánh giá 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi (NCT). Tham dự hội thảo có ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TBXH); ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Tổ chức UNFPA tại Việt Nam; đại diện các Bộ, ban ngành và tổ chức liên quan: Bộ Y tế, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Hội NCT Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam..; đại diện các tổ chức Quốc tế, các Sở LĐ-TBXH, các Ban đại diện NCT tỉnh, thành phố: Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc…Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Trọng Đàm chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Năm 2014 là năm thứ năm thực hiện Luật Người cao tuổi. Đây là thời điểm thích hợp để nhìn nhận và đánh giá lại các chính sách luật pháp, các văn bản hướng dẫn Luật về thực hiện Luật NCT. Trong những năm vừa qua, các Bộ,ban ngành liên quan như: Bộ LĐ-TBXH, Bộ Y tế, Bộ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải... đã phối hợp rất tích cực trong công tác chăm lo sức khỏe và đời sống tinh thần cho người cao tuổi. Qua đánh giá của Ủy ban Quốc gia về NCT và Trung ương Hội NCT Việt Nam, đời sống của NCT đã được cải thiện, vai trò NCT trong cộng đồng cũng được nâng cao. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế trong công tác thực hiện các Luật về NCT, nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương chưa thực sự đầy đủ. Do vậy, mục đích của hội thảo nhằm định hướng xây dựng hoàn thiện khung đánh giá về luật pháp, chính sách, huy động các nguồn lực về NCT. Theo  Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, nhiệm vụ trước mắt là tập trung rà soát và đánh giá kết quả việc thực hiện Luật NCT trong vòng 05 năm qua, từ đó tạo nền tảng cho bước chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020 trong công tác thực hiện các Luật về NCT.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe các báo cáo tham luận kết quả 5 năm triển khai thực hiện Luật NCT của Bộ LĐ-TBXH, Trung ương Hội NCT Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về NCT, Bộ Y tế. Theo đó, sau 5 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo tâm lý vui mừng, phấn khởi trong nhân dân, đặc biệt là người cao tuổi. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 và Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 23/11/2012 về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012-2020. Các Bộ, ban ngành liên quan đã ban hành 07 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các chính sách về bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm giá vé, phí tham gia giao thông, văn hóa thể dục thể thao, các hoạt động du lịch, chúc thọ mừng thọ NCT. Tính đến nay, cả nước có hơn 1,5 triệu NCT được hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số đối tượng hiện nhận trợ cấp (77%). Mức trợ cấp đang được tăng dần nhằm bù đắp những thiếu hụt để đảm bảo nhu cầu tối thiểu, hàng trăm ngàn NCT nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm, sửa chữa nâng cấp nhà ở, tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho trên 1 triệu NCT, thăm hỏi, động viên lúc ốm đau bệnh tật cho hơn 900 ngàn NCT, khám tư vấn các bệnh về mắt cho hơn 2 triệu NCT, trong đó, hơn 200 ngàn người được mổ thay thủy tinh thể với tổng số tiền miễn phí gần 400 tỷ đồng...

Đi đôi với quan tâm chăm sóc đời sống vật chất và sức khỏe, các địa phương cũng quan tâm phát triển các hoạt động văn hóa tinh thần cho NCT. Các hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, tham quan phát triển mạnh. Đến nay cả nước có 58.099 câu lạc bộ NCT, thu hút 2,6 triệu NCT tham gia, vừa góp phần nâng cao sức khỏe, đồng thời góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những khó khăn cần phải khắc phục như: tình trạng thực hiện chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước chưa kịp thời, để sót đối tượng ở một số địa phương; Nhiều mô hình, kinh nghiệm tốt ở địa phương chưa được nhân rộng do thiếu kinh phí cũng như các văn bản hướng dẫn cho các ngành, các cấp…

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, các giải pháp, kiến nghị được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo. Trước hết phải đổi mới phương thức truyền thông theo hướng đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với NCT, đặc biệt là NCT là dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; Xây dựng lộ trình thực hiện Luật, đảm bảo các điều kiện cần và đủ để thực hiện các điều trong luật có tính khả thi cao; Bố trí nguồn lực đảm bảo ít nhất trợ cấp xã hội hàng tháng và mừng thọ; Có cơ chế giám sát việc triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn; Đào tạo, tăng cường đội ngũ y, bác sỹ chuyên ngành lão khoa, thực hiện nâng mức trợ cấp XH. Đặc biệt là truyền thông thay đổi quan niệm NCT chỉ là gánh nặng, xem thường việc đóng góp, phát huy vai trò của NCT trong gia đình và cộng đồng.

(Theo   www.molisa.gov.vn)

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay188
  • Tháng hiện tại39,482
  • Tổng lượt truy cập3,929,780
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây