Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: Trong những năm qua, công tác bảo trợ xã hội và giảm nghèo tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, lãnh đạo Bộ cùng sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan, sự hỗ trợ của UNICEF và các tổ chức quốc tế, công tác Bảo trợ Xã hội trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cùng với đó, Luật Người cao tuổi (NCT), Luật Người khuyết tật (NKT) đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định hướng dẫn thực hiện. Đề án phát triển nghề công tác xã hội và chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện theo hướng mở rộng, nâng cao mức chuẩn trợ cấp. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về NCT, NKT, các đối tượng bảo trợ xã hội nhằm tạo môi trường pháp lý, điều kiện, cơ hội bình đẳng, không rào cản đối với các đối tượng này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động bất lợi từ khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh, do tác động của biến đổi khí hậu, công tác bảo trợ xã hội những năm qua đã gặp phải những khó khăn nhất định, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Song, với sự nỗ lực phấn đấu của các đơn vị trong năm 2013, đời sống của các đối tượng chính sách trợ giúp xã hội được nâng cao, đảm bảo định mức trợ cấp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động điều chỉnh nâng mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng cao hơn mức chuẩn chung của cả nước; phát triển các hình thức trợ giúp phong phú, đa dạng theo hướng xã hội hóa, huy động các hoạt động nhân đạo, từ thiện...
Có thể nói, với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế như vốn, đất sản xuất, công nghệ, thị trường...và các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nước sạch, trợ giúp pháp lý... Qua đó, số lượng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt được hỗ trợ kịp thời.
Trong năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 1.270 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện cứu trợ đột xuất, khôi phục sản xuất, sửa chữa các cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ cứu đói cho 23 tỉnh với số lượng 55.220 tấn gạo, trong đó có 16.416 tấn gạo cứu đói cho nhân dân bị thiệt hại do thiên tai. Hỗ trợ 7.121 tỷ đồng cho các đối tượng hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng như trẻ mồ côi, NKT, người tâm thần nặng, người cao tuổi cô đơn...Trợ cấp và cấp thẻ BHYT cho 761.000 NKT nặng và đặc biệt nặng; phối hợp với các tỉnh lựa chọn để xây dựng mô hình trợ giúp và thí điểm dạy nghề gắn với tạo việc làm cho NKT; xây dựng phương án và bộ công cụ khảo sát để đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn của NKT với việc làm và tự tạo việc làm; tập huấn nghiệp vụ cán bộ làm công tác trợ giúp NKT; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng...Đến nay, mức độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội đã tăng lên 3% dân số.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, đại biểu đến từ các tỉnh thành cũng đã có các buổi thảo luận chuyên đề xoay quanh các nội dung như: Kế hoạch triển khai Đề án 1215; Khó khăn, giải pháp thực hiện mô hình chuyển đổi trung tâm chăm sóc người tâm thần; Khung Đề án cơ sở dữ liệu Quốc gia về An sinh xã hội giai đoạn 2015 - 2025; Thực hiện Chính sách trợ giúp xã hội; Phát triển mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội; Phát triển hệ thống trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Kế hoạch triển khai Đề án 647; Xây dựng và sử dụng 22 cuốn sách trong chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn, triển khai đưa các môn học thuộc công tác đào tạo cán bộ xã hội vào chương trình đào tạo...
(Theo www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc