Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại Lễ phát động
Phát biểu tại Lễ phát động , Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nêu rõ: Trong các văn kiện thành lập Đảng tháng 2-1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một chủ trương lớn về phương diện xã hội "thực hiện nam nữ bình quyền". Điều đó chứng tỏ ngay từ khi thành lập Đảng, vấn đề bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ đã được Bác Hồ và Đảng ta hết sức coi trọng trong xây dựng đường lối cách mạng. Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của các cấp các ngành và chính bản thân phụ nữ đã mang lại những thành tựu về bình đẳng giới tại Việt Nam. Những thành tựu trong thực hiện bình đẳng giới góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Các đại biểu tham dự lễ phát động
Khẳng định dù có những kết quả nhất định nhưng công tác bình đẳng giới vẫn chưa đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng để giải quyết bất bình đẳng, các chính sách, chương trình, đặc biệt là vai trò của truyền thông cần làm thay đổi những quan niệm lạc hậu về giá trị, vai trò của phụ nữ, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái. Phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Một quốc gia khỏe mạnh, công bằng, không còn nghèo đói và "không ai bị bỏ lại phía sau" là ước nguyện chính đáng của mỗi con người. Ước vọng đó sẽ sớm trở thành hiện thực nếu mỗi người cùng chung tay vun đắp bằng đầy đủ trách nhiệm và tình yêu thương. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự chia sẻ trách nhiệm của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành đối với phụ nữ, trẻ em gái. Hãy cùng hành động để thông điệp "Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương" được lan tỏa trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biiểu tại Lễ phát động
Phát biểu tại Lễ phát động, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho biết, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể về tình trạng kinh tế xã hội của phụ nữ, nhưng thực trạng lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái vẫn là hành vi vi phạm quyền con người phổ biến nhất và chưa được giải quyết trên thế giới. Mỗi ngày chúng ta đều nghe nói về các vụ bắt cóc, dụ dỗ, hãm hiếp và lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái. Trên toàn cầu, cứ ba phụ nữ thì có một người là đối tượng bị đàn ông lạm dụng – mà những lạm dụng lại chính là người thân của nạn nhân - có thể là cha, chồng, bạn trai, chú bác, quản lý, sếp hay đồng nghiệp tại nơi làm việc… Những điều này cho thấy, cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các nạn nhân bị bạo lực. Đồng thời, cần thiết phải tạo ra một môi trường thuận lợi để nạn nhân bị bạo lực không cảm thấy xấu hổ hoặc phải chịu áp lực mà phải giữ im lặng hoặc không dám nói ra.
Sáng cùng ngày tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám, hơn 300 thanh niên và cộng đồng đã cùng hoà mình vào màn nhảy Flashmob với thông điệp “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Đây là hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới lần đầu tiên được Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TBXH) phát động trên toàn quốc, hợp tác với trường Đại học Xây dựng và tổ chức ActionAid Việt Nam. Hoạt động này cũng là một phần của Chương trình “Thành phố An toàn – Thành phố tôi yêu” được thực hiện tại 20 nước trên toàn thế giới. Tại Việt Nam chương trình đã mở rộng đến 5 thành phố lớn : Hà Nội, Hải Phòng, T.p Uông Bí, T.p Trà Vinh và T.p Hồ Chí Minh từ năm 2014 đến nay.
(Theo www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc