Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: “Nhà nước Việt Nam luôn cam kết và quyết tâm đẩy mạnh thực hiện công tác bình đẳng giới và bảo đảm quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái. Điều này được thể hiện ở những tiến bộ về cải cách luật pháp, chính sách mạnh mẽ thông qua nội luật hóa Công ước, áp dụng nguyên tắc và quy định Công ước CEDAW trong quá trình xây dựng và thực thi điều luật, chương trình, chính sách tại Việt Nam”.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Với quyết tâm và nỗ lực đó, thành tựu về nâng cao quyền năng cho phụ nữ đã ngày càng đạt kết quả đáng khích lệ: Trong lĩnh vực chính trị, lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. 03 thành viên của Bộ chính trị là nữ và chiếm 15,78%. Hơn 50% Bộ, ngành, cơ quan trung ương có cán bộ chủ chốt là phụ nữ. Trong lĩnh vực lao động, việc làm, lao động nữ vẫn duy trì ở mức cao, đạt 48,3% trong tổng số lực lượng lao động cả nước. Xếp thứ 21/145 quốc gia về khoảng cách giới trong lao động việc làm. Tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt 24,9%. Trong các lĩnh vực chuyên môn, công nhân kỹ thuật: Nữ chiếm 53% và nam 47%. Trong lĩnh vực y tế, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm hơn 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 xuống còn 59/100.000 vào năm 2014 và ước năm 2015 là 58,3/100.000.
Với những thành tích này, Việt Nam đã được ghi nhận “đạt được những thành tựu to lớn về bình đẳng giới, trong đó hầu như không có khác biệt về giới trong tỷ lệ nhập học và khoảng cách giới về lương cũng đã thu hẹp dần theo như các chuẩn mực thế giới quy định…” - trong Báo cáo Việt Nam năm 2035 “Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” vừa được Ngân hàng thế giới tại Việt Nam công bố vào tháng 2/2016.
Tại Diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TBXH) Hoàng Thu Huyền cho biết, đến tháng 6/2015, toàn quốc phát hiện 13.268 vụ bạo lực gia đình với số nạn nhân là 13.752 người. Nạn nhân đã đến các dịch vụ hỗ trợ: tư vấn, chăm sóc tại cơ sở khám, chữa bệnh địa chỉ tin cậy tại cộng đồng … với tổng số 16.028 lượt người. Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã hỗ trợ 2.213 nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng trong đó 40 nạn nhân là nam giới, 2.173 nạn nhân là nữ giới chiếm 98,2%.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng cho rằng: "Mặc dù đã áp dụng Công ước CEDAW và đạt được tiến bộ đáng kể, tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam vẫn đang gặp phải khó khăn, thách thức trong lĩnh vực này. Đó là phụ nữ vẫn bị hạn chế trong việc tham gia và thụ hưởng quyền con người trong các lĩnh vực nhất định. Vẫn còn có nội dung chính sách và luật pháp chưa phù hợp với nguyên tắc và quy định của CEDAW về các tiêu chuẩn bình đẳng giới và đảm bảo quyền con người của phụ nữ. Ngoài ra, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và buôn bán phụ nữ vẫn xảy ra , những vấn đề giới nảy sinh trong di cư, biến đổi khí hậu cũng đang tác động tiêu cực tới phụ nữ...". Theo Thứ trưởng, tất cả những khó khăn và thách thức này đang làm cản trở các nỗ lực thúc đẩy thực hiện Công ước CEDAW tại Việt Nam. “Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu về bình đẳng giới của Chính phủ, chúng tôi cam kết đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Công ước này tại Việt Nam thông qua đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban CEDAW đối với Việt Nam; thúc đẩy việc đưa các ưu tiên nâng cao quyền năng của phụ nữ và trẻ em gái vào chương trình nghị sự của quốc gia; đảm bảo tốt hơn nữa các quyền của phụ nữ và trẻ em gái” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Quyền của phụ nữ và trẻ em gái được đảm bảo tốt hơn Phát biểu tại sự kiện, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women cho biết: “Việc các mục tiêu phát triển bền vững được các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015 đã đem lại cơ hội mang tính lịch sử chưa từng có cho việc thúc đẩy bình đẳng giới. Là một mục tiêu rõ ràng không phụ thuộc, mục tiêu số 5, bình đẳng giới được lồng ghép trong suốt các mục tiêu phát triển bền vững khác. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến sự đồng thuận cao trên toàn thế giới của các nhà lãnh đạo về bình đẳng giới, coi đó vừa là một điều kiện tiền đề và vừa là khả năng để đạt được phát triển bền vững.”
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm bản thân trong thách thức bất bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Một số xu hướng chính, khoảng cách giới trong nước như thái độ gia trưởng tồn tại dai dẳng, những khuôn mẫu giới đã ăn sâu trong xã hội, sự thiếu thông tin và dữ liệu về tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ, các biện pháp phòng chống bạo lực giới vẫn chưa thực sự hiệu quả.
“Việc tăng cường tiếng nói của phụ nữ, hợp tác trong hành động, vận động chính sách và đòi hỏi hành động có trách nhiệm giới là hết sức cần thiết. Chính phủ và các bên liên quan cần tiếp tục cam kết, cùng hợp tác hành động để bình đẳng giới trở thành hiện thực” - bà Shoko Ishikawa nói.
(Nguồn: www.molisa.gov.vn)