Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Người hạnh phúc nhất là người cả đời gắn bó với trẻ em"

Thứ hai - 26/09/2016 16:55 775 0
"Mong muốn khối các đơn vị làm công tác trẻ em phải là một tổ chức đoàn kết, làm bằng tâm trong sáng, góp phần tham mưu để Lãnh đạo Bộ nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý về lĩnh vực trẻ em, thông qua đó đẩy mạnh kiến tạo, xây dựng các chủ trương, chính sách góp phần xã hội hóa trong lĩnh vực trẻ em". Đây là mục tiêu bao quát mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt ra tại buổi làm việc đối với các đơn vị làm công tác trẻ em thuộc Bộ gồm: Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Làng trẻ em SOS Việt Nam, ngày 23/9. Cùng dự còn có Thứ trưởng Đào Hồng Lan; đại diện lãnh đạo các đơn vị: Cục Bảo trợ xã hội, Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ, Đảng ủy Bộ, Công đoàn Bộ.


Toàn cảnh buổi làm việc

Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng tại buổi làm việc, Lãnh đạo các đơn vị làm công tác trẻ em lần lượt báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động của đơn vị mình, những kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm cũng như thuận lợi, khó khăn vướng mắc cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng nêu rõ những nhiệm vụ cần tập trung triển khai những tháng cuối năm 2016 và đưa ra đề xuất, kiến nghị để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoạt động ngày càng hiệu quả.

Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, Cục đã tham mưu với Bộ trình Chính phủ và được Quốc hội thông qua Luật trẻ em, mở ra giai đoạn mới thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em 2016 - 2020. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang soạn thảo Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng. Đồng thời, xây dựng Dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020;  Kế hoạch liên tịch về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.

Theo ông Đặng Hoa Nam, hiện có 2 vấn đề nóng về trẻ em đó là tình trạng đuối nước trẻ em và việc đảm bảo quyền lợi cho con của phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài về Việt Nam sinh sống. Cục đã cập nhật thông tin từ các phương tiện truyền thông và số liệu từ các địa phương. Nhìn chung, số lượng trẻ em bị chết vì đuối nước không tăng nhưng số vụ có nhiều trẻ em chết đuối cùng một lúc lại tăng. Liên quan đến hành lang pháp lý đăng ký hộ tịch hộ khẩu, làm giấy khai sinh cho con phụ nữ kết hôn với người nước ngoài về Viêt Nam sinh sống, Cục đã phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Ngoại giao và Hội phụ nữ để các em được hưởng các quyền lợi chính đáng. Bên cạnh đó, vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng phức tạp, liên quan đến đạo đức xã hội, gây bức xúc dư luận cũng đang được Cục nghiên cứu để đưa vào các hướng dẫn bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi làm việc

Về tình hình tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, theo ông Hoàng Văn Tiến – Giám đốc Quỹ BTTE, năm 2016, tổng kinh phí nhà tài trợ cam kết trong năm 2016 là 83,669 tỷ đồng. Tính đến nay, Quỹ đã phối hợp với các nhà tài trợ triển khai các hoạt động hỗ trợ tại 63 tỉnh, thành phố cho 78.190 em. Tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 34,6 tỷ đồng gồm: Cấp phát sữa và thực phẩm; Phẫu thuật dị tật tim bẩm sinh; Phẫu thuật nụ cười; Phẫu thuật mắt; Xây dựng công trình nước sạch; Hỗ trợ xe đạp, học bổng, dụng cụ học tập, cặp phao cứu dinh; Xây dựng lớp học, nhà nội trú; Xây dựng điểm vui chơi công cộng. Với phương châm “Tận tâm – Minh bạch – Kịp thời – Cùng tham gia”, Quỹ BTTE Việt Nam thường xuyên được giám sát, quan tâm chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, vị thế và hình ảnh của Quỹ đã được cộng đồng trong nước và quốc tế quan tâm nhiều hơn.

Ông Đỗ Tiến Dũng  - Giám đốc Làng trẻ em SOS Việt Nam

Về tình hình làng trẻ em SOS Việt Nam, ông Đỗ Tiến Dũng  - Giám đốc Làng trẻ em SOS Việt Nam cho biết, hiện có 17 Làng trẻ em SOS - nơi nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi theo mô hình gia đình thay thế với 4 nguyên tắc sư phạm của Làng trẻ em SOS Quốc tế là bà mẹ, anh chị em, gia đình và cộng đồng Làng. Đến nay đã có 5.950 cháu đã và đang nuôi dưỡng, trong đó đang nuôi dưỡng 3.100 cháu và đã trưởng thành, hòa nhập cộng đồng là 2.850 cháu. Bên cạnh đó, hệ thống còn có 12 Trường phổ thông Hermann Gmeiner, 16 Trường mẫu giáo, 01 Trường trung cấp nghề, 03 Xưởng dạy thực hành kỹ năng 4 nghề trong thời gian 1 năm và 06 Chương trình hỗ trợ kinh phí cho thân nhân để nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại cộng đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, chú trọng, kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, triển khai thực hiện các phong trào, vận động xã hội cùng tham gia thực hiện quyền trẻ em. Các thành quả đó của Việt Nam được cộng đồng quốc tế, tổ chức UNICEF đánh giá cao, ghi nhận là điểm sáng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong khu vực.

Chánh văn phòng Bộ Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại buổi làm việc

Một nội dung quan trọng, nhân tố góp phần quyết định hiệu quả của hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em là yếu tố nguồn lực (gồm nguồn lực tài chính và con người). Theo Thứ trưởng, thời gian qua, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm bố trí kinh phí thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tuy nhiên nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp này vẫn còn chưa đáp ứng được các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Về bộ máy, trước đây có khoảng 170 nghìn cộng tác viên, tuy nhiên hiện nay chỉ còn 60-70 nghìn người. Việc đòi hỏi bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở cấp huyện là rất khó. Do đó, đề nghị các địa phương giao chức danh cộng tác viên xã hội kiêm nhiệm luôn việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em để có đủ nguồn lực triển khai thực hiện, đảm bảo đúng nguyên tắc hiệu quả, tiết kiệm.

Theo Thứ trưởng, hiện nay những vấn đề nóng như xâm hại tình dục, tai nạn thương tích, mua bán, bắt cóc trẻ em còn xảy ra nhiều. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước, từng mảng vấn đề đó đã có những giải giải pháp, chính sách ban hành nhằm giảm thiểu tác hại.

Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tập trung xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em; chủ động rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các Chương trình, Dự án, Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về Quỹ Bảo trợ trẻ em, qua theo dõi Quỹ cho thấy, trong bối cảnh có nhiều quỹ từ thiện, quỹ xã hội nhưng Quỹ BTTE Việt Nam luôn xác định được phương hướng riêng. Về mô hình hoạt động của Quỹ, Thứ trưởng xác định đây là đơn vị sự nghiệp, nên việc hoàn thiện hệ thống Quỹ cấp huyện cần có hướng dẫn thực hiện theo cơ chế linh hoạt.

Riêng về Làng trẻ em SOS, đây là mô hình được triển khai theo Hiệp định giữa Bộ LĐTBXH với tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế và cũng là mô hình tốt nhất trên thế giới cho đến nay về chăm sóc trẻ em mồ côi. Tuy nhiên, vì đặc thù riêng nên hiện nay vai trò của các Làng trẻ em SOS chưa được xác định rõ trong văn bản pháp quy. Trong thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ cần phối hợp với Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam nghiên cứu, xác định rõ mô hình hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức phù hợp của Làng trẻ em SOS để quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hoan nghênh các đơn vị làm công tác trẻ em thời gian qua đã có nhiều cố gắng tìm tòi, đổi mới và nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ cũng như thực thi trách nhiệm, quyền hạn của của đơn vị về công tác trẻ em. Đặc biệt, thông qua công tác tham mưu, giúp việc cũng như đề xuất của các đơn vị đã góp phần quan trọng để Lãnh đạo Bộ tham mưu cho Đảng, Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về quyền trẻ em. Do đó, công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em đạt được nhiều thành tựu, đáng được khích lệ. Nhiều nội dung, chủ trương, chính sách của Việt Nam đã tiếp cận được với các tiêu chí về quyền trẻ em của Liên hợp quốc và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng chúng ta không được phép bằng lòng với những gì mình đã đạt được bởi khoảng trống trong lĩnh vực trẻ em còn nhiều. Hiện nay, trên phạm vi cả nước có khoảng 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và khoảng 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, còn tình trạng trẻ em bị xâm hại về tình dục, sức khỏe, lao động. Việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em, tiếng nói của trẻ em còn hạn chế. Đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa tương xứng với sự phát triển chung của đất nước.

"Phấn đấu từng đơn vị đạt được tiêu chí đặt ra, là một tập thể sáng tạo, đoàn kết, hiệu quả. Biến tiêu chí thành hiện hữu trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Từ đó, mỗi cán bộ tự điều chỉnh mình. Người hạnh phúc nhất là người cả đời gắn bó với trẻ em vì trẻ em luôn trong sáng, đoàn kết" – Bộ trưởng nói.

Về nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng đề nghị:

1. Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Tập trung tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng 2 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc cụ thể hóa Luật trẻ em. Đối với những vấn đề vướng mắc trong quản lý nhà nước về trẻ em thì Cục BVCSTE là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng chính sách phù hợp. Cục BVCSTE cũng cần chú trọng công tác tuyên truyền, truyền thông vận động xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực trẻ em; thúc đẩy các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó chú trọng giải quyết vấn đề trẻ em đuối nước, trẻ em bị xâm hại tình dục và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ngoài ra, Cục BVCSTE cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về trẻ em.

2. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất việc kiện toàn Hội đồng Quỹ Bảo trợ Quỹ vào tháng 10/2016. Quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, trong thời gian tới cần có hướng chung vận động các địa phương thành lập, quản lý Quỹ ở địa phương có hiệu quả. Với sự quan tâm, ủng hộ của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quỹ BTTEVN cần tiếp túc đẩy mạnh công tác vận động nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong cả nước.

3. Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị nghiên cứu, xác định rõ vị trí, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, hoạt động của Làng trẻ em SOS tại Việt Nam để tham mưu, ban hành quy định cụ thể.

(www.molisa.gov.vn)


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,425
  • Tháng hiện tại4,763
  • Tổng lượt truy cập3,352,224
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây