Sáng 28/5/2016, tại thành phố Hạ Long, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2016. Tham dự buổi Lễ có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Đào Ngọc Dung; Nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền; Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội Nghề và Nghề công tác xã hội; ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện Lãnh đạo 30 Sở LĐ-TBXH các tỉnh phía Bắc; các Ban, ngành liên quan, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Quảng Ninh cùng 300 thanh thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh đại diện cho trên 26 triệu trẻ em trên cả nước.
Toàn cảnh Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2016
Được tổ chức vào tháng 6 hàng năm, Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 được lựa chọn với chủ đề "Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em" nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của LHQ về Quyền trẻ em. Việc phê chuẩn các văn kiện, điều ước quốc tế nêu trên đã đặt ra trách nhiệm pháp lý của nước ta trước cộng đồng quốc tế về thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi Lễ Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp, mỗi gia đình và toàn xã hội ngày càng quan tâm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Luật Trẻ em vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 4/2016 đã đánh dấu một bước quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm của nhà nước, gia đình, xã hội trong việc đảm bảo các quyền của trẻ em và bổn phận của trẻ em.
Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2016, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng chương trình và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, cần rà soát, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình, trường học và cộng đồng; dạy cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm gây tai nạn, thương tích trẻ em. Bộ trưởng nhấn mạnh, tất cả các loại tai nạn thương tích cho trẻ em đều có thể phòng, chống được nếu có đầy đủ kiến thức và ý chí hành động Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, cả nước có 26 triệu trẻ em, trong đó có 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; nhất là triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích giai đoạn 2013 - 2015. Tuy nhiên, nguyên nhân của các tai nạn, thương tích cho trẻ em một phần do chúng ta chưa thật sự coi trọng việc phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em, trong khi các khu vực có nguy cơ gây ra tai nạn, thương tích cho trẻ em vẫn còn nhiều; ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của các em vẫn chưa cao, nhiều gia đình chưa nhận thức đầy đủ và chưa chú trọng trang bị kĩ năng phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em dẫn đến nhiều trẻ em tử vong không đáng có. Chính bản thân trẻ em cũng chưa được trang bị kĩ năng để tự mình phòng, tránh, tự bảo vệ khi gặp tai nạn thương tích.
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2016, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để tiến tới giảm thiểu tình hình tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn do đuối nước và tai nạn giao thông, chúng ta cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, cả cộng đồng xã hội, đồng thời chúng ta cần thực hiện đồng bộ các can thiệp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, tăng cường truyền thông, vận động xây dựng và thực hiện tốt các tiêu chuẩn “Ngôi nhà an toàn, mái trường an toàn, cộng đồng an toàn” để giảm thiểu tối đa tai nạn trẻ em mắc phải do tai nạn thương tích. "Tất cả các loại tai nạn, thương tích cho trẻ em đều có thể phòng, chống được nếu có đầy đủ kiến thức và ý chí hành động" - Bộ trưởng khẳng định.Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho bà Vũ Thị Thu Thuỷ và đại diện Sở LĐ-TBXH tỉnh Quảng Ninh Tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2016, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam tặng 350 suất quà trị giá 200.000 đồng/suất cho tất cả trẻ em đến tham dự Lễ phát động và tặng 50 suất quà trị giá 1 triệu đồng/suất cho 50 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tặng máy trợ thính cho 11 trẻ em khiếm thính của tỉnh Quảng Ninh; Uỷ ban an An toàn giao thông gửi tặng 400 mũ bảo hiểm xe máy, 10 suất học bổng trị giá 2 triệu đồng/suất cho 10 trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn thương tích.
Cũng tại buổi Lễ, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tiếp nhận tài trợ với tổng số tiền là 7,942 tỷ đồng do các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm dành cho trẻ em Việt Nam.
Cũng nhân dịp này, đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Sở LĐ-TBXH tỉnh Quảng Ninh đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Một số hình ảnh tại buổi Lễ:
(Nguồn: www.molisa.gov.vn)