Cùng hành động để chấm dứt tình trạng tảo hôn

Thứ năm - 27/10/2016 18:00 827 0
Tảo hôn là vi phạm quyền con người. Mặc dù các quốc gia đã có hệ thống luật pháp giúp giải quyết vấn đề này nhưng thực tế, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại ở rất nhiều nơi, mà nguyên nhân chính là do đói nghèo và bất bình đẳng. Giải quyết tình trạng tảo hôn chính là một trong các giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người cũng như góp phần duy trì sự bền vững của phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng và quốc gia. Đây là những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo quốc gia về tình trạng tảo hôn ở Việt Nam do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Ủy ban Dân tộc miền núi phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức vào sáng nay 25/10, tại Hà Nội.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Tới dự Hội thảo có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Đỗ Văn Chiến, UV BCH TW Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; đồng chí Đào Hồng Lan, UVDK BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH; đồng chí Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Astrid Bant – Trưởng đại diện Quỹ dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam cùng đại diện các Bộ, ngành; các tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức quốc tế.

Hiện nay trên toàn thế giới, có hơn 700 triệu phụ nữ kết hôn ở độ tuổi trẻ em. Cứ 3 phụ nữ thì có 1 người – khoảng 250 triệu – kết hôn trước tuổi 15. Tảo hôn ảnh hưởng trầm trọng tới cuộc sống và sức khỏe của các em gái, làm mất đi cơ hội và cản trở tương lai của các em. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng tảo hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016 đã nghiêm cấm tảo hôn và các hoạt động liên quan tới việc tổ chức và hỗ trợ tảo hôn. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn 2015-2025.

Năm 2015, 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã thông qua 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) với 169 chỉ tiêu cụ thể, Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu thứ 3 là “Bảo đảm cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi” và Mục tiêu thứ 5 là “Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”. Để đạt được những mục tiêu này, vấn đề tảo hôn cần được quan tâm, giải quyết một cách nghiêm túc và hiệu quả trong thời gian tới

Bàn chủ tọa

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương chỉ đạo: " Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sinh kế cho các gia đình nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đó dành ưu tiên cho các địa bàn trọng điểm và một số dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và người dân, trong đó có các tổ chức Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, các nhà khoa học và các cộng đồng dân tộc thiểu số… trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật nhằm hình thành các chuẩn mực xã hội mới tiến bộ hơn, thúc đẩy bình đẳng giới để trẻ em gái có cơ hội được đi học, được đào tạo nghề, có việc làm, có được cuộc sống hạnh phúc thật sự cùng với việc tăng cường các biện pháp mang tính chất phòng ngừa như: truyền thông, tư vấn, vận động thay đổi nhận thức, nâng cao dân trí cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số".

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tảo hôn xảy ra ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội. “Hiện có quá nhiều trẻ mang thai sớm, chưa hoàn thiện về giải phẫu và sinh lý tâm lý đã bị ép buộc phải trở thành cha mẹ”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cảnh báo.

Theo Thứ trưởng Tiến, tảo hôn làm suy giảm số lượng và chất lượng dân số. Tầm vóc và tuổi thọ trung bình của các dân tộc ít người cũng đang thấp dần. Những vùng tảo hôn, tuổi thọ trung bình chỉ xấp xỉ 45 tuổi.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Hồng Lan nhấn mạnh, tảo hôn ở lứa tuổi trẻ em được xem như sự vi phạm quyền con người của trẻ em, quyền được sống và phát triển lành mạnh toàn diện, quyền được bảo vệ khỏi bị bóc lột, bạo lực và xâm hại tình dục, đi ngược lại tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em đã được Việt Nam phê chuẩn năm 1990),  Hiến pháp năm 2013, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014. Luật Trẻ em năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm có hành vi “tổ chức, hỗ trợ, xúi dục và ép buộc trẻ em tảo hôn (Khoản 4 Điều 6 Luật Trẻ em). Tuy nhiên, giải quyết nạn tảo hôn cần có sự phối hợp đồng bộ về trách nhiệm và hành động của các bộ, ngành, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội; gắn liền với các biện pháp, chương trình về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo vệ trẻ em, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng hạnh phúc, truyền thông biến đổi hành vi về bình đẳng giới, thực hiện quyền trẻ em.

Bà Astrid Bant – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Từ những hệ lụy do tảo hôn, các chuyên gia khuyến nghị tạo môi trường thân thiện cho vị thành niên, thanh niên trong việc tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc sức khở sinh sản ở những vùng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tổ chức UNFPA & UNICEF đề xuất mở cuộc điều tra quy mô quốc gia về tảo hôn nhằm cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thay đổi nhận thức là vấn đề mấu chốt. Về lâu dài cần đầu tư nhiều hơn nữa về kinh tế, giáo dục, y tế... nhằm nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thế hệ trẻ vượt qua áp lực của tập tục lạc hậu, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân. Cùng với đó cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn ở tất cả các cấp. Điều này đòi hỏi tất cả các Bộ, ban, ngành ở tất cả các cấp, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng quốc tế và LHQ cùng hành động để chấm dứt tình trạng tảo hôn. Tất cả mọi người cần phải chung tay giúp mang lại ước mơ, hoài bão cho trẻ em.

(Nguồn: www.molisa.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay350
  • Tháng hiện tại39,644
  • Tổng lượt truy cập3,929,942
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây