Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật trẻ em

Thứ sáu - 29/04/2016 23:15 1.197 0
Sáng nay 29/4, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật, 1 pháp lệnh và 1 nghị quyết đã đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua trong đó có Luật trẻ em. Đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi họp báo về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có Thứ trưởng Đào Hồng Lan, đại diện lãnh đạo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Vụ Pháp chế.



Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn chủ trì buổi họp báo














Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 Luật gồm: Luật báo chí; Luật trẻ em; Luật tiếp cận thông tin; Luật dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật điều ước quốc tế. 7 Luật này đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua.
Ngoài việc công bố 7 luật trên, Văn phòng Chủ tịch nước cũng công bố Lệnh của Chủ tịch nước, công bố Pháp lệnh Quản lý thị trường và công bố Nghị quyết về việc phê chuẩn công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan giới thiệu nội dung cơ bản của Luật trẻ em năm 2016
Về Luật Trẻ em, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Hồng Lan cho biết, Luật trẻ em năm 2016 có 7 chương với 106 điều và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2017. Luật trẻ em năm 2016 có những điểm mới cơ bản như sau:
Về tên gọi, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được đổi thành Luật trẻ em, phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của luật về đối tượng đặc thù như các luật đã được Quốc hội thông qua.
Về khái niệm, nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em và những hành vi bị nghiêm cấm, 11 khái niệm được giải thích rõ trong Luật trẻ em gồm bảo vệ trẻ em; phát triển toàn diện của trẻ em; chăm sóc thay thế; người chăm sóc trẻ em; xâm hại trẻ em; bạo lực trẻ em; bóc lột trẻ em; xâm hại tình dục trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.
Ngoài các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được nêu trong Luật năm 2004, Luật trẻ em quy định thêm các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc.
Luật trẻ em quy định rõ việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, bao gồm cả nguồn tài chính và nguồn nhân lực.
Việc lồng ghép vấn đề trẻ em khi xây dựng pháp luật, chính sách được quy định thành một nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, đồng thời cụ thể hóa thành trách nhiệm của các cơ quan có liên quan thuộc Quốc hội, Chính phủ.
Trách nhiệm phối hợp trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em cũng được quy định tại Điều 9 và cụ thể tại nội dung Chương VI Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định cụ thể và bổ sung các hành vi như: tước đoạt quyền sống của trẻ em; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm.

Toàn cảnh buổi họp báo
Về các quyền và bổn phận của trẻ em
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật trẻ em quy định 25 nhóm quyền của trẻ em với một số quyền được bổ sung hoặc cụ thể hơn như: quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột lao động, không bị bạo lực, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn.
Về việc bảo đảm thực hiện chăm sóc và giáo dục trẻ em
Luật trẻ em quy định các chính sách cơ bản của Nhà nước để bảo đảm trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo đảm điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch và thông tin, truyền thông cho trẻ em. Đây là căn cứ quan trọng để Nhà nước ban hành các chính sách cụ thể thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề có liên quan đến trẻ em phát sinh trong thực tế.
Về bảo vệ trẻ em
Luật trẻ em quy định cụ thể các yêu cầu bảo vệ trẻ em; các cấp độ bảo vệ trẻ em; trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Các biện pháp bảo vệ trẻ em được quy định cụ thể từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để bảo đảm trẻ em được an toàn, được hỗ trợ và can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại. Trách nhiệm lập và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi được quy định tại Điều 52 và được giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Luật quy định cụ thể về các loại hình, điều kiện hoạt động, thẩm quyền thành lập, cấp đăng ký, đình chỉ, chấm dứt hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Luật quy định áp dụng các hình thức chăm sóc thay thế đối với trẻ em nhằm đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ để vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Về bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, Luật trẻ em quy định mang tính hệ thống hóa các nguyên tắc, biện pháp áp dụng đối với người chưa thành niên trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành đồng thời bổ sung các nguyên tắc được quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các điều ước quốc tế về tư pháp đối với trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Về quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em
Trong Luật trẻ em, các vấn đề, phạm vi, hình thức và các biện pháp để bảo đảm trẻ em được tham gia vào các vấn về trẻ em trong quá trình xây dựng, triển khai chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, hoạt động của các cơ quan, tổ chức; bảo đảm sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề có liên quan đến trẻ em trong gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục khác được quy định cụ thể.
Để việc giám sát thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em khả thi và hiệu quả, Luật trẻ em quy định rõ nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em
Luật trẻ em quy định rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bao gồm: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục.
Do việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, Luật trẻ em quy định về Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều hòa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; phối hợp giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc sử dụng hình ảnh của trẻ em trên môi trường mạng
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc sử dụng hình ảnh của trẻ em trên môi trường mạng, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thời gian vừa qua, những vụ việc xâm hại trẻ em hoặc sử dụng những hình ảnh của trẻ em một cách vô tình hoặc cố ý để đưa lên internet, trong bối cảnh CNTT đang phát triển như hiện nay dẫn đến việc lợi dụng, lạm dụng cũng như xâm hại trẻ em. Do đó, trong quá trình xây dựng Luật trẻ em, Bộ LĐ-TBXH đã đưa vào những điều liên quan trực tiếp đến vấn đề bảo vệ đời sống riêng tư của trẻ em trong đó có một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là công bố tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em nếu trẻ em từ 7 tuổi trở lên, hoặc là không có sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em. Tuy nhiên hiện nay, bản thân bố mẹ, người giám hộ cũng là những người vô tình đưa hình của trẻ em lên mạng internet, và đây có thể trở thành đích ngắm cho tội phạm xâm hại trẻ em. Để đảm bảo việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trên thực tiễn có thể làm được, đã có quy định trong Điều 54 về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Đây là một nội dung rất mới so với luật đã ban hành vào năm 2004, trong đó có quy định trách nhiệm của các cơ quan tổ chức liên quan trong việc tuyên truyền, giáo dục trong vấn đề vào vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng. Tại Điều 87 Luật trẻ em cũng quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin, truyền thông, được bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân về thư tín, viễn thông và các hình thức trao đổi, lưu giữ thông tin cá nhân.
Trong tháng 3/2016, Bộ LĐ-TBXH cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo tọa đàm chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tại Hội thảo này, các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin về thực trạng vấn đề xâm hại trẻ em qua trên môi trường mạng, bên cạnh các vấn đề xâm hại trẻ em qua tiếp xúc trực tiếp; đồng thời đề xuất các giải pháp phù hợp để đưa vào dự thảo Đề án Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Bộ LĐ-TBXH đang chủ trì xây dựng.
Bộ LĐ-TBXH dự kiến sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, trong đó nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ được quy định cụ thể để có những biện pháp triển khai phù hợp.

(Nguồn:  www.molisa.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay1,369
  • Tháng hiện tại40,064
  • Tổng lượt truy cập3,871,317
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây