Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ V năm 2017 – Phiên chính thức

Thứ hai - 28/08/2017 16:30 787 0
Sáng ngày 26/8, tại Hà Nội, Phiên chính thức của Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ V năm 2017 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” đã được tổ chức. Diễn đàn do Bộ LĐ-TBXH phối hợp Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ của Quốc hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đồng chủ trì. Tham dự Phiên chính thức có đồng chí Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, đồng chí Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Long Hải Bí thư TƯ Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội TƯ cùng đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, đại diện các tổ chức quốc tế cùng 200 trẻ em có độ tuổi từ 9 đến dưới 16, đại diện cho trẻ em của 48 tỉnh, thành phố, các Làng trẻ em SOS và Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An được lựa chọn và cử tham gia Diễn đàn.

TE1.JPG

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc Phiên đối thoại

Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ V năm 2017 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” được tổ chức từ ngày từ 23-26 tháng 8 năm 2017 tại thủ đô Hà Nội. Diễn đàn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đồng chủ trì với sự phối hợp của các bộ, ngành, các tổ chức: UNICEF, ILO, Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Tổ chức PLAN, Tổ chức Tầm nhìn thế giới, Tổ chức ChildFund, Tổ chức CBM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững. 

Thứ trưởng Đào Hồng Lan trò chuyện với các em nhỏ tham dự Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Phiên chính thức của Diễn đàn trẻ em quốc gia 2017, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Quyền tham gia của trẻ em đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Luật trẻ em năm 2016. Thông qua Diễn đàn trẻ em, các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em được trao đổi, ghi nhận và triển khai. Phiên đối thoại hôm nay là hoạt động quan trọng nhất của Diễn đàn để các đồng chí lãnh đạo và quý vị đại biểu cùng trao đổi về vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em với 200 trẻ em đến từ 48 tỉnh, thành phố và hai đơn vị là Làng trẻ em SOS Việt Nam, Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An. 2017 là năm đánh dấu có nhiều văn bản pháp luật, chính sách dành cho trẻ em có hiệu lực thi hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đối với lĩnh vực trẻ em. Đó là Luật trẻ em có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường có hiệu lực từ ngày 05/9/2017; Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Quyết định số 856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em và nhiều chương trình, kế hoạch của các địa phương…Tất cả các văn bản pháp luật, chính sách nêu trên đều nhằm mục tiêu bảo vệ trẻ em tốt hơn, bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em và mang lại những điều tốt đẹp hơn cho trẻ em.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cũng đề nghị: các quý vị đại biểu là đại diện các Ủy ban của Quốc hội, đại diện của các Bộ, ngành, tổ chức sẽ trả lời, trao đổi, xem xét, đáp ứng các ý kiến, đề xuất của trẻ em trong Diễn đàn trẻ em quốc gia này; nghiên cứu đưa các ý kiến, đề xuất đó vào trong Chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, tổ chức mình để thực sự các mục tiêu vì trẻ em được ưu tiên thực hiện và có các biện pháp thúc đẩy các quyền của trẻ em được cập nhật theo quy định của Luật trẻ em năm 2016. Đồng thời, để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ trẻ em, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, tôi đề nghị các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng triển khai đồng bộ Luật trẻ em, các Nghị định của Chính phủ, các quy định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trẻ em. Đặc biệt là quan tâm triển khai các quy định về quy trình tiếp nhận, phối hợp xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại cho trẻ em.

Bà Yoshimi Nishino, Quyền Trưởng đại diện Unicef phát biểu tại Diễn đàn

Cũng tại Diễn đàn lần này, Quyền Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam chia sẻ: Bạo lực trẻ em không chỉ đơn giản là việc chúng ta nhìn thấy như bạo lực thể chất, mà còn là những điều chúng ta không nhìn thấy. Bạo lực trẻ em đơn giản chỉ là khi cha mẹ đánh con cái hoặc khi trẻ em bị bắt nạt ở trường, gây ra những căng thẳng tâm lý không cần thiết cho trẻ. Có một thực tế không thể bàn cãi là bạo lực đối với trẻ em hiện nay xảy ra ở mọi nơi – ngay cả tại những nơi được cho là an toàn như ở nhà, trường học, trên đường và tại nơi làm việc. Một điều quan trọng cần lưu tâm là hành vi bạo lực, bóc lột và lạm dụng trẻ em thường được thực hiện bởi những người quen biết với trẻ, như cha mẹ, các thành viên trong gia đình, thầy cô giáo, cán bộ thực thi pháp luật, và thậm chí cả bạn bè của trẻ. Đáng lo ngại hơn cả là chỉ một tỷ lệ rất nhỏ những hành vi trên được đưa ra ánh sáng và điều tra, và rất ít người vi phạm phải chịu trách nhiệm. Bạo lực trẻ em đã có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hiện tại và cả tương lai của trẻ. Khi bạo lực xảy ra, mặc dù những vết bầm tím trên cơ thể của trẻ sẽ tan biến sau đó, nhưng những tổn thương trong tâm hồn, nội tâm của trẻ có thể vẫn còn mãi. Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy hành vi bạo lực, bóc lột và xâm hại có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe về thể chất và tinh thần của trẻ cả trong ngắn hạn và lâu dài. Điều này sẽ hạn chế khả năng học tập và giao tiếp xã hội của trẻ, ảnh hưởng đến giai đoạn chuyển tiếp từ thời thơ ấu sang độ tuổi trưởng thành với những hậu quả khôn lường về sau. Tác động của bạo lực trẻ em có thể cản trở tăng trưởng kinh tế thông qua sự mất năng suất lao động, tàn phế, và chất lượng cuộc sống suy giảm - tất cả đều có thể làm tụt hậu một quốc gia trong nỗ lực phát triển toàn diện. Những hậu quả này có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo. Chỉ khi mọi người chúng ta cùng nhau trao đổi, chung tay giải quyết vấn đề này thì vòng luẩn quẩn bạo lực liên thế hệ này mới có thể bị phá vỡ.

Theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ của Quốc hội, kiến nghị của trẻ em trong Diễn đàn trẻ em lần thứ 4 năm 2015 đã được gửi tới 7 Bộ, ngành và được đưa vào Luật trẻ em năm 2016. Trong Diễn đàn trẻ em năm nay, thông điệp, kiến nghị của các em cũng sẽ tiếp tục được xem xét. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện luật, trong các văn bản dưới luật, chúng tôi tiếp tục xem xét các kiến nghị của trẻ em được các Bộ, ngành thực hiện như thế nào. Bà Ngô Thị Minh cho biết: “Chúng tôi sẽ cùng Bộ LĐ-TBXH giám sát việc này. Trong Luật trẻ em 2016 đã quy định, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được quyền giám sát quyền trẻ em, đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, nhìn từ góc độ trẻ em. Cùng với Hội Bảo vệ quyền trẻ em, đại diện cho các cơ quan, tổ chức phi Chính phủ có chức năng giám sát những nội dung này cùng Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ của Quốc hội. Chúng tôi sẽ giám sát xem những kiến nghị của trẻ em trong diễn đàn hôm nay sẽ được giải quyết như thế nào để trả lời cho các em vào Diễn đàn lần sau tổ chức năm 2019”.

Một số hình ảnh tại Diễn đàn:

(Nguồn: www.molisa.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay1,963
  • Tháng hiện tại5,301
  • Tổng lượt truy cập3,352,762
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây