Khai mạc Triển lãm "Đối thoại trong bóng tối và tạo điều kiện tiếp cận cho người mù"

Thứ hai - 10/10/2016 17:10 970 0
Bị mất đi ánh sáng của đôi mắt, người mù gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và luôn cần sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà nước và cộng đồng nhằm từng bước khắc phục khó khăn, phát huy khả năng vươn lên hòa nhập xã hội. Hướng tới Ngày Cây gậy trắng Thế giới (15/10), trong 02 ngày 7-8/10, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thiết kế tiếp cận Nhật Bản (ADFJ) và Quỹ Những người bạn vì quyền người yếu thế (FHHER) tổ chức Triển lãm "Đối thoại trong bóng tối và tạo điều kiện tiếp cận cho người mù". Tại sự kiện này, những người sáng mắt đã có cơ hội trải nghiệm trong bóng tối sử dụng các giác quan ngoài thị giác với sự hướng dẫn của người mù. Tới dự buổi lễ, có ông Cao Văn Thành – Chủ tịch Hội người mù Việt Nam; bà Hanah Thu Hạnh Trần – Đại diện FHHER cùng đại diện các bộ, ngành, tổ chức hữu quan.

Tại buổi khai mạc, bà Hanah Thu Hạnh Trần – Đại diện FHHER cho biết, triển lãm "Đối thoại trong bóng tối" là một trong những Đổi mới Xã hội của Doanh nghiệp Xã hội Dialogue Social Enterprises (DSE) được ghi nhận là lớn nhất trên thế giới bởi cộng đồng lãnh đạo quốc tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Clinton Foundation, và các tổ chức khác. Triển lãm được bắt nguồn từ Đức và nhân rộng ra 39 nước trong suốt 25 năm qua. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã trở thành quốc gia số 41 tổ chức triển lãm "Đối thoại trong bóng tối".

Toàn cảnh buổi khai mạc triển lãm

"Đến triển lãm, mọi người sẽ được bước vào thế giới của những người khiếm thị và trải nghiệm cuộc sống không có ánh sáng trong một phòng tối được thiết kế đặc biệt và được dẫn đường bởi người mù với các nhóm nhỏ. Những hương vị, âm thanh, gió, nhiệt độ và kết cấu truyền tải mang các đặc tính của một cuộc sống thường ngày như một công viên, một phòng làm việc, một buổi hòa nhạc hoặc một quán bar có thể sẽ khiến bạn thay đổi quan điểm sống tích cực hơn hoặc đơn giản chỉ là trải nghiệm một cách nhìn hoàn toàn mới về cuộc sống" – bà Hanah Thu Hạnh Trần nói.

Các sản phẩm tiếp cận thông minh do Quỹ ADFJ Nhật Bản thiết kế và sản xuât

Một điểm thú vị nữa tại triển lãm chính là những gian hàng sản phẩm Tiếp cận thông minh được sáng tạo bởi Hiệp hội Thiết kế Tiếp cận Nhật Bản (ADFJ) dành cho tất cả mọi người đặc biệt là người mù. Sản phẩm ADFJ sử dụng Thiết kế tiếp cận (Accessible design). Nghĩa là các vật dụng sẽ có thêm một dòng chữ nổi để người khiếm thị có thể phân biệt, giúp họ "tự do trong thế giới của người sáng mắt". Ngoài ra, tại sự kiện cũng giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tranh vẽ do chính người mù Việt Nam sáng tạo và sản xuất.

Người khiếm thị tìm hiểu các sản phẩm Tiếp cận thông mình do Quỹ ADFJ Nhật Bản thiết kế và sản xuât tại buổi triển lãm

Thông qua triển lãm này, FHHER mong muốn mang đến một thông điệp giáo dục mang tầm vóc quốc tế, đặc biệt cho thế hệ trẻ em thanh thiếu niên ở Việt Nam, rằng "Mỗi con người chúng ta, dù là ai, dù ở đâu, đều có khả năng của riêng mình để vượt qua mọi khó khăn, mọi thử thách trong cuộc sống, để đạt được thành công và có ích cho xã hội."

Cũng tại triển lãm, Hội người mù Việt Nam trình bày kết quả khảo sát về những khó khăn của người khiếm thị Việt Nam, từ đó đề xuất phát triển mô hình Đối thoại trong bóng tối và các sản phẩm thiết kế tiếp cận tại Việt Nam. Hội người mù Việt Nam hy vọng, với sự quan tâm của Nhà nước, các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, các mô hình này sẽ được phát triển ở Việt Nam để người mù nói riêng, người khuyết tật nói chung ngày càng được cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ và tạo điều kiện tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ để hòa nhập tốt hơn với cộng đồng./.

(Nguồn: www.molisa.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay246
  • Tháng hiện tại39,540
  • Tổng lượt truy cập3,929,838
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây