Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh mục đích, ý của Hội nghị; mong muốn lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết để tiếp tục phát huy, đồng thời đánh giá những mặt hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân của những hạn chế, những bài học kinh nghiệm được rút ra, cũng như tập trung thảo luận, đề ra phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội trong thời gian tới.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP khẳng định, Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020" là một chủ trương lớn của Đảng, hợp lòng dân, làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành cũng như người dân trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách đối với người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội.
Chính phủ, các bộ, ngành đã quán triệt nghiêm túc, triển khai tích cực, xây dựng chương trình hành động hết sức toàn diện, cụ thể; bám sát vào các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết, thể chế hóa luật pháp, chính sách, cơ chế; xác định lộ trình, bước đi phù hợp để chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Mặc dù giai đoạn 2012-2015 còn nhiều khó khăn, song Quốc hội, Chính phủ vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên nguồn lực và tập trung chỉ đạo đối với chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Các địa phương đã tích cực và chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết 70, đưa các chính sách vào cuộc sống; tích cực, chủ động huy động nguồn lực; nhiều địa phương đã nâng mức trợ giúp cao hơn mức chung của cả nước và có nhiều mô hình bảo đảm an sinh xã hội hiệu quả. Nguồn lực xã hội tham gia vào nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội tăng, chủ chương xã hội hóa trong thực hiện các chính sách xã hội, giảm nghèo và an sinh xã hội được thực hiện tốt hơn.
Tuy Nghị quyết mới thực hiện được 3 năm, thời gian chưa dài, nhưng đã đạt được nhiều kết quả và tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác. Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2015, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tập trung nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách trên tất cả các lĩnh vực xã hội theo Nghị quyết số 15; hệ thống chính sách, pháp luật tiếp tục mở rộng hơn quyền hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội và an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm, tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Trong lĩnh vực người có công, đến nay cả nước có gần 1,4 triệu người có công đang được hưởng trợ cấp hằng tháng, tăng 94.000 người so với năm 2012; ngân sách Nhà nước dành cho việc thực hiện chính sách người có công tăng dần qua từng năm, nếu năm 2012 là hơn 25.646 tỉ đồng thì con số này đến năm 2014 đã tăng lên trên 31.000 tỉ đồng; phong trào đền ơn đáp nghĩa, thắp nến tri ân không ngừng được mở rộng và phát triển.
Trong lĩnh vực việc làm, giai đoạn 2012-2015 bình quân mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa khoảng 340.000 người đi làm việc tại nước ngoài; tỉ lệ thất nghiệp chung tiếp tục giảm từ 2,18% năm 2012 xuống còn 2,08% năm 2015.
Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, đã có gần 4 triệu lượt người nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách với dư nợ khoảng 67.000 tỉ đồng; 8 triệu lượt học sinh được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập; bình quân mỗi năm có khoảng 4 triệu người nghèo được cấp thẻ BHYT; Chương trình 30a đã đầu tư trên 5.700 công trình cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất và phục vụ nhu cầu dân sinh tại các huyện nghèo.
Ngoài ra, trong lĩnh vực BHXH, trợ giúp xã hội, đảm bảo giáo dục-nghề nghiệp, đảm bảo y tế tối thiểu; đảm bảo nhà ở tối thiểu; nước sạch và vệ sinh; đảm bảo thông tin tối thiểu… cũng có những chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều chỉ tiêu đạt khá, hoàn thành vượt thời gian.
Nguồn: chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc