Đẩy mạnh tuyên truyền góp phần giảm thiểu tình trạng phụ nữ, trẻ em gái bị mua bán qua biên giới

Thứ năm - 14/09/2017 15:15 791 0
Ngày 12⁄9⁄2017, lãnh đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã có buổi làm việc, trao đổi về thực trạng công tác phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Đồng chí Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, chủ trì buổi làm việc.


Quang cảnh buổi làm việc

Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam vẫn là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp. Năm 2016, toàn quốc đã xảy ra 383 vụ với 523 đối tượng, 1.128 nạn nhân, đồng thời có khoảng gần 200 ngàn người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia… lao động thời vụ, tiềm ẩn nguy cơ bị mua bán. Các đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa bán phụ nữ qua biên giới làm vợ, đẻ thuê hoặc bán cho nhà hàng, ép hoạt động mại dâm. Tình trạng mua bán trẻ em cũng diễn biến rất phức tạp, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, các đối tượng cò mồi đã rủ rê, lôi kéo các em gái đi làm thuê thu nhập cao, đi du lịch… rồi lừa bán cho hàng quán có hoạt động cưỡng bức lao động và hoạt động mại dâm…

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm Việt Nam tiếp nhận từ 400-600 nạn nhân bị mua bán trở về. Các nạn nhân đều là phụ nữ và trẻ em gái tập trung ở một số địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Bình…và một số tỉnh miền Tây Nam bộ như An Giang, Đồng Tháp… Nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về được tiếp nhận qua các hình thức: trao trả thông qua các Đồn Biên phòng; thông qua đại diện cơ quan ngoại giao; số còn lại tự trở về và khai báo với chính quyền cơ sở. Thực hiện các quy định hiện hành, sau khi được tiếp nhận và xác minh là nạn nhân bị mua bán, các nạn nhân đều được chăm sóc sức khỏe ban đầu, hỗ trợ về tâm lý, tư pháp, sinh kế… để từng bước hòa nhập cộng đồng.

Đặc điểm chung của các nạn nhân là nhận thức và trình độ còn hạn chế, thiếu việc làm, đời sống khó khăn; có độ tuổi từ 18 đến dưới 40.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Lập khẳng định: vấn đề nạn nhân bị buôn bán qua biên giới là một trong những vấn đề cấp bách trong tình hình hiện nay, đặc biệt là việc phụ nữ, trẻ em gái bị mua bán và ép buộc kết hôn với người nước ngoài - đây là khoảng trống thực tiễn cần nghiên cứu để đảm bảo quyền con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách; xây dựng cơ sở dữ liệu, rà soát, quản lý đối tượng; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương như Công an, Bộ đội Biên phòng, Hội Phụ nữ, chính quyền cơ sở trong việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân; tăng cường năng lực cho đội ngũ làm công tác xã hội; đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là các nạn nhân và gia đình về quyền con người, về các quy định của pháp luật liên quan tới hôn nhân có yếu tố nước ngoài…

Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Lập cũng đề nghị và mong muốn lãnh đạo, cán bộ của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội tiếp tục phối hợp trong việc đánh giá thực trạng và tác động của hoạt động mại dâm ở Việt Nam; tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác; tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật về mại dâm.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng ISDS cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Cục PCTNXH thời gian qua và khẳng định, những thông tin tại buổi làm việc sẽ là cơ sở bước đầu cho nhóm nghiên cứu tiếp tục khảo sát thực tế ở một số địa phương, từ đó đưa ra những khuyến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Đối với việc tham gia ý kiến xây dựng Luật về mại dâm, thời gian tới, lãnh đạo Viện ISDS sẽ tích cực phối hợp với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, kêu gọi các tổ chức xã hội, các chuyên gia và cộng đồng tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất với mục đích giảm hại cho xã hội./.

(Nguồn: www.molisa.gov.vn)


 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay1,180
  • Tháng hiện tại46,477
  • Tổng lượt truy cập3,342,010
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây