Mục đích của Hội thảo nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới công tác cai nghiện thông qua chia sẻ kinh nghiệm tổ chức cai nghiện, học nghề, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng, kiện toàn tổ chức chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động Xã hội thành các Cơ sở điều trị, cai nghiện, đồng thời giới thiệu các mô hình, phương pháp, giải pháp cai nghiện, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện có hiệu quả, các điển hình người cai nghiện thành công, các tình nguyện viên tiêu biểu của Đội Công tác xã hội tình nguyện trong việc giúp đỡ người nghiện. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố nghiên cứu, tham khảo, đề xuất các chương trình kế hoạch áp dụng, nhân rộng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập cho biết: Hiện nay, tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp (nhóm ATS). Tính đến tháng 6 năm 2016, cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó, trên 60% sử dụng ATS. Người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loạn tâm thần và có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, đến nay, 53/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kế hoạch/Đề án triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện. Về chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục Lao động xã hội (Trung tâm 06) thành cơ sở cai nghiện, đến tháng 12/2016, trong số 110 cơ sở cai nghiện, có 80 cơ sở có chức năng cai nghiện bắt buộc; 24 cơ sở cai nghiện tự nguyện; 6 cơ sở chỉ tiếp nhận đối tượng xã hội. Năm 2016, các cơ sở cai nghiện đã tổ chức cai nghiện cho 66.552 lượt học viên, trong đó, cai nghiện bắt buộc là 16.714 học viên, cai nghiện tự nguyện 3.470 học viên. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng: 09 tỉnh, thành phố cai nghiện 3.566 người.
Trong quá trình đổi mới công tác cai nghiện theo Quyết định 2596/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác cai nghiện đứng trước không ít khó khăn, thách thức nhưng đồng thời cũng đã xuất hiện nhiều mô hình cai nghiện có hiệu quả, nhiều người cai nghiện thành công, trong đó, không ít người trở thành tình nguyện viên của Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, đã đóng góp tích cực cho công tác cai nghiện phục hồi.
Tiêu biểu là các cơ sở cai nghiện thân thiện như: Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Giáo dục- Lao động xã hội thành phố Hải Phòng, Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện TP Hồ Chí Minh, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Nghệ An, Trung tâm điều trị nghiện số 5 Hà Nội...
Đặc điểm chính của các cơ sở cai nghiện thân thiện này là: đổi mới cơ bản nhận thức và năng lực cán bộ, điều chỉnh bộ máy hướng vào hoạt động chuyên môn, tạo sự đồng thuận cao trong việc coi trọng yếu tố con người, tôn trọng và phát huy vai trò cá nhân người nghiện. Tranh thủ, huy động mọi nguồn lực (nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ chức xã hội, cơ sở tự làm…) để củng cố cơ sở vật chất phục vụ đa dạng các loại hình dịch vụ cai nghiện. Công khai, dân chủ, minh bạch, nề nếp kỷ luật, thưởng phạt nghiêm minh được chú trọng đối với cả đội ngũ cán bộ và học viên. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với thân nhân người cai nghiện để cùng động viên, khuyến khích người cai nghiện. Là Cơ sở có nhiều kết nối với cộng đồng...
Các mô hình kết nối cai nghiện và hỗ trợ sau cai tiêu biểu như Mô hình Câu lạc bộ “Kết nối thành công” của Cơ sở Giáo dục -Lao động Xã hội TP Hải Phòng; Câu lạc bộ “S-A” (Câu lạc bộ hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy và người nhiễm HIV) của Đoàn thanh niên phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, mô hình “Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện tại xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên”.....Các câu lạc bộ này đã hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ hàng trăm người nghiện ma túy cai nghiện, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng...
Góp phần vào quá trình hỗ trợ giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng còn có các tình nguyện viên tiêu biểu ở các xã, phường, thị trấn. Đến cuối năm 2016, 40/63 tỉnh, thành phố thành lập gần 3.000 Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội tình nguyện) với hơn 18.000 tình nguyện viên. Nhiều tình nguyện viên có thành tích xuất sắc trong việc vận động cai nghiện, tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho biết, thực tế đã chứng minh, cho dù việc cai nghiện rất khó khăn, nhưng nếu bản thân người nghiện quyết tâm cùng sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền thì hoàn toàn có thể cai nghiện thành công. Nhiều người từng nghiện nặng, nghiện có thâm niên nhưng đã quyết tâm cai nghiện, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được cộng đồng ghi nhận, bầu làm cán bộ xã, công an viên, tổ trưởng Tổ tự quản, tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện, được kết nạp vào Đảng. Một số người hiện đang là người hoạt động xã hội, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng... và tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người cai nghiện.
(Nguồn www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc