Thứ trưởng cũng khẳng định: Thời gian tới, Bộ cùng phối hợp với CDC cùng các tổ chức, đơn vị để phát huy và nhân rộng mô hình điều trị nghiện ma túy dựa vào cộng đồng hiệu quả hơn. Tiếp tục thúc đẩy, nâng cao năng lực đội ngũ trong toàn ngành về lĩnh vực điều trị nghiện ma túy, tệ nạn xã hội và hoàn thiện các phương thức điều trị nghiện tại cộng đồng.
Ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục phòng Chống tệ nạn xã hội báo cáo tại Hội nghị
Theo báo cáo tại Hội nghị, Dự án Nâng cao năng lực điều trị nghiện ma túy nhằm dự phòng HIV/AUDS tại Việt Nam thực hiện từ tháng 9/2009-9/2015 với mục tiêu tăng cường năng lực cho ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong điều trị nghiện ma túy, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nghiện ma túy, giảm lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy và người bán dâm.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm trao Kỷ niệm Chương và Bằng khen cho các tập thể và cá nhân
Kết quả tại TPHCM, mô hình được thí điểm từ tháng 4/2013-9/2015 với tổng số bệnh nhân 642 người, có 425 người được điều trị cắt cơn, 425 người điều trị nội trú, 217 người điều trị ngoại trú. Có 209 người điều trị Methadone và 116 người được chăm sóc sau điều trị.
Bên cạnh đó, có 1.740 lượt bệnh nhân được tư vấn; 100% bệnh nhân được xét nghiệm chất ma túy; có 423/431 lượt bệnh nhân điều trị nội trú được cắt cơn…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án cũng gặp nhiều thách thức. Đó là bệnh nhân tham gia không hoàn toàn tự nguyện, chi phí điều trị là thách thức lớn đối với bệnh nhân; tài liệu hướng dẫn chuyên môn còn thiếu…
Chia sẻ về quá trình điều trị, anh Lê Minh Thắng ( sinh năm 1983- bệnh nhân tham gia Dự án tại Trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy TPHCM) cho biết: “Thách thức lớn nhất để từ bỏ nghiện ma túy là do bản thân người nghiện dù đã đi cai nghiện về vẫn bị kỳ thị nên nảy sinh tâm lý bức xúc, tìm đến bạn bè cũ tâm sự. Vì thế, lại dễ tái nghiện. Tôi cũng như các người nghiện khi đã hoàn thành điều trị nghiện mong muốn được gia đình, xã hội không có cái nhìn khắt khe, bớt kỳ thị. Mong chính quyền và gia đình hỗ trợ tôi có thể học nghề, kiếm việc làm và ổn định cuộc sống”.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Phượng – Giám đốc Trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy TPHCM nêu quan điểm: Việc điều trị nghiện ma túy có tính chất bền vững là một quá trình lâu dài. Trong đó, bản thân người nghiện có tính quyết định, cần phải mạnh mẽ về ý chí, quyết tâm và tự nguyện cai nghiện. Bên cạnh đó, gia đình, chính quyền cũng cần vào cuộc động viên, khuyến khích để người nghiện không mặc cảm. Song song đó, các cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, đội ngũ tư vấn viên ở các địa phương, các trung tâm cần được nâng cao năng lực để thực hiện hiệu quả.
Dịp này, các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực trong quá trình triển khai Dự án Nâng cao năng lực điều trị nghiện ma túy nhằm dự phòng HIV/AUDS tại Việt Nam đã được nhận Kỷ niệm chương, Bằng Khen, Giấy Khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Ý kiến bạn đọc