Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chủ trì Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, mại dâm là một vấn đề xã hội khó giải quyết không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Việc xây dựng chính sách pháp luật hiện nay đòi hỏi phải trên cơ sở nhận thức về lý luận và phương pháp tiếp cận mới, đặc biệt là vấn đề đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội của các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Định hướng nghiên cứu, xây dựng chính sách pháp luật về mại dâm cũng đặt ra các vấn đề ưu tiên: tăng cường phòng ngừa, xây dựng khung pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại trong phòng, chống mại dâm; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với nhóm người bán dâm. Đồng thời xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội phù hợp, thân thiện, tạo điều kiện cho người bán dâm dễ dàng tiếp cận, sử dụng khi họ có nhu cầu thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại Hội thảo
Hiện nay, Bộ LĐ-TBXH được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Phòng, chống mại dâm. Hội thảo là cơ hội cho Bộ LĐ-TBXH học hỏi những kinh nghiệm về lập pháp của New Zealand về vấn đề mại dâm, từ đó tham mưu tốt hơn cho Chính phủ trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đồng thời lắng nghe những ý kiến đóng góp của các tổ chức, đơn vị liên quan trong việc xây dựng Dự án Luật Phòng, chống mại dâm, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ New Zealand đã chia sẻ những kinh nghiệm về quá trình xây dựng và thẩm định Luật cải cách liên quan đến mại dâm 2003 (PRA); kinh nghiệm của ngành Y tế, của Cảnh sát về thực hiện PRA; về các hoạt động xã hội và vai trò của các tổ chức của người hành nghề mại dâm trong việc xây dựng PRA, từ đó đưa ra những đề xuất nghiên cứu áp dụng vào việc xây dựng và thẩm định Luật về mại dâm ở Việt Nam.
Bà Jan Logie, Nghị sỹ thuộc Đảng Xanh New Zealand chia sẻ tại Hội thảo
Theo bà Jan Logie, Nghị sỹ thuộc Đảng Xanh New Zealand, tại New Zealand, giai đoạn trước năm 2003, mại dâm là bất hợp pháp, các hoạt động liên quan đến mại dâm được coi là tội phạm hình sự. Năm 2003, đạo Luật Cải cách mại dâm được Quốc hội New Zealand thông qua. Mục đích của Luật này là phi hình sự hóa hoạt động mại dâm (mặc dù Luật này không công nhận hoặc khuyến khích phát triển dịch vụ mại dâm hoặc sử dụng dịch vụ mại dâm) và tạo ra một khung pháp lý nhằm: bảo vệ quyền của người hành nghề mại dâm và bảo vệ họ khỏi sự lạm dụng, bóc lột; Thúc đẩy an sinh, sức khỏe và an toàn nghề nghiệp cho những người hành nghề mại dâm; có lợi cho sức khỏe cộng đồng; cấm sử dụng những người dưới 18 tuổi trong các hoạt động mại dâm.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Từ những thông tin được chia sẻ của các chuyên gia New Zealand, các đại biểu đã thảo luận về quan điểm, giải pháp, biện pháp và các chính sách cần có để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống mại dâm của Việt Nam trong giai đoạn tới, đặc biệt là định hướng xây dựng dự án Luật Phòng, chống mại dâm hiện nay.
(Nguồn: www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc