Hội thảo “Triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là trẻ em”

Thứ bảy - 30/09/2017 16:05 867 0
Sáng ngày 29/9/2017, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH phối hợp cùng Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo “Triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là trẻ em”. Tham dự Hội thảo có ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, ông Paul Priest, Trưởng bộ phận Chương trình IOM, và TS. Apiradee Thienthong, Điều hành viên khu vực IOM. Tham dự Hội thảo còn có các đại biểu tới từ Bộ LĐ-TBXH cùng các bộ, ngành liên quan và một số Sở LĐ-TBXH cùng các chuyên gia đại diện cho nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam....

Ts. Apiradee Thienthong, Điều hành viên khu vực IOM giới thiệu
về Công ước ASEAN về Phòng, chống mua bán người


Hội thảo với mục đích, nâng cao nhận thức và hiểu biết các nội dung về Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với Công ước ASEAN mà Việt Nam đã kí kết. Đây cũng là nơi các địa phương thảo luận về những khó khăn, thách thức trong việc triển khai đề án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình thực hiện Công ước, đồng thời, tạo một diễn đàn cho chính quyền trung ương và địa phương cùng thảo luận và chia sẻ những thách thức trong thực hiện dự án hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người theo Kế hoạch Hành động Quốc gia 2016- 2020. Từ đó, đề xuất  các biện pháp để phối hợp thực hiện dự án với việc thực thi ACTIP của Chính phủ...

Phát biểu khai mạc Hội thảo đồng chí Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, Công ước là sáng kiến, là văn kiện pháp lý thể hiện sự đoàn kết và trách nhiệm cao của các nước thành viên ASEAN.

Đồng chí Lê Đức Hiền phát biểu khai mạc Hội thảo

Ngày 13/12/2016, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 2674/2016/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước ACTIP, chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 08/3/2017. Việc phê chuẩn Công ước góp phần thể hiện vai trò tích cực, chủ động và khẳng định cam kết của Việt Nam cũng như khu vực ASEAN trong nỗ lực tăng cường hợp tác phòng, chống hành vi mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; đồng thời, góp phần vào việc triển khai Tuyên bố về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 và Kế hoạch hành động Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2015-2025. Việc chính thức trở thành thành viên Công ước ACTIP không chỉ có tác động tích cực đối với Việt Nam và khu vực ASEAN mà còn mang lại nhiều lợi ích, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam là quốc gia sớm thành lập Cơ quan Thường trực Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua bán phụ nữ và trẻ em, triển khai có hiệu quả các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; đồng thời, nâng cao hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mua bán người với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng…

Tại Hội thảo, ông Paul Priest, Trưởng bộ phận Chương trình IOM tại Việt Nam cho biết việc thông qua Công ước ACTIP thể hiện cách tiếp cận quan trọng trong phòng, chống mua bán người là giải quyết thách thức liên quan di cư, thể hiện sự hợp tác giữa các nước thành viên cũng như những cam kết mạnh mẽ.

Ông Paul Priest, Trưởng bộ phận Chương trình IOM phát biểu tại Hội thảo

Ông đánh giá cao sự ra đời của Kế hoạch Quốc gia tại Việt Nam với sự tham gia của các bên liên quan gồm Bộ LĐ-TBXH, Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Phụ nữ Việt Nam… thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với phòng chống  mua bán người. Tuy nhiên tình hình mua bán người đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp mua bán người chưa được báo cáo. Do đó, ông mong muốn các bên liên quan đóng góp trực tiếp những kinh nghiệm và thảo luận tại Hội thảo các vấn đề còn tồn tại để tìm ra những giải pháp hiệu quả...

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nâng cao nhận thức về hiểu biết các nội dung về Công ước ACTIP nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với Công ước mà Việt Nam đã ký kết; những khó khăn, thách thức trong việc triển khai Đề án Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; khuyến khích thực hiện có hiệu quả các điều khoản chính của ACTIP; chia sẻ các nỗ lực và giải pháp, sáng kiến của Việt Nam đã và đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống mua bán người cũng như triển khai thực hiện Công ước ASEAN; các kế hoạch cũng như các yêu cầu áp dụng thực hiện Công ước vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, chỉ ra những khó khăn, thách thức cần khắc phục để thực hiện có hiệu quả nhất.

Theo đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, để triển khai thực thi toàn diện, hiệu quả các quy định của Công ước ACTIP trên phạm vi cả nước, hướng tới mục tiêu xóa bỏ loại tội phạm này, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số biện pháp.

Một là, xây dựng cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương có liên quan để triển khai, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Công ước. Đặc biệt, các cấp chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em. Các đoàn thể, tổ chức xã hội tổ chức thực hiện tốt chính sách, tạo phong trào hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân; lồng ghép Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em với việc các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và các đề án khác có liên quan như phòng, chống tệ nạn xã hội, dạy nghề, giảm nghèo và việc làm…

Hai là, đề xuất việc hướng dẫn cụ thể việc thực thi các quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật tương trợ tư pháp năm 2007 bảo đảm tính tương thích với các quy định của Công ước ACTIP, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và yêu cầu của công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới của Việt Nam.

Ba là, xây dựng các đề án nghiên cứu về hoạt động điều tra đặc biệt, hợp tác quốc tế trong điều tra hình sự; tăng cường ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế đa phương, song phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ.

Bốn là, chủ động tham gia hoặc chủ trì tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả quá trình triển khai Công ước với các quốc gia thành viên ASEAN.

Việc hoàn thiện pháp luật quốc gia và tích cực ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng khẳng định lập trường nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong nỗ lực phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển, hội nhập và hợp tác quốc tế.

(Nguồn: www.molisa.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay2,459
  • Tháng hiện tại38,629
  • Tổng lượt truy cập3,869,882
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây