Đồng thuận với quy định BHYT là hình thức bắt buộc
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trước Quốc hội, nhiều điểm trong dự thảo luật BHYT đã được thay đổi theo chiều hướng tạo thuận lợi và khuyến kích, thu hút người dân tham gia BHYT.
Về quy định bắt buộc tham gia BHYT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: việc quy định BHYT bắt buộc cùng với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách theo lộ trình cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình mở rộng đối tượng, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và bảo đảm an sinh xã hội (kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chỉ áp dụng nguyên tắc bắt buộc mới có thể tiến tới BHYT toàn dân).
Tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, như các quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; quy định về bắt buộc chữa bệnh đối với người mắc bệnh tâm thần thể nặng, bệnh lao, phong đang thời kỳ lây truyền, bệnh lây truyền qua đường sinh dục và một số bệnh truyền nhiễm khác có thể gây nguy hại cho xã hội trong Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân; quy định đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá đối với quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá...
Để bảo đảm tính khả thi và thúc đẩy việc thực hiện chính sách BHYT bắt buộc, Nhà nước cần tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động các đối tượng, bố trí nguồn lực bảo đảm, nâng cao y đức và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (KCB). BHYT cần đổi mới phương thức thực hiện chính sách BHYT để vừa khuyến khích, vừa hỗ trợ người dân chủ động tham gia BHYT, nâng cao trách nhiệm an sinh đối với bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời, tổ chức để người dân có thể tiếp cận và đóng BHYT theo hộ gia đình được thuận lợi tại tất cả các địa bàn trên phạm vi cả nước.
Cần ưu tiên cho người nghèo và trẻ em
Đề cập đến việc bất cập trong thanh toán BHYT và tình trạng khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên nhiều đại biểu cho rằng đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Để tiến tới xóa bỏ tình trạng trên ngành y tế phải khắc phục được về chất lượng khám chữa bệnh giữa các tuyến, ngăn chặn vấn đề vi phạm y đức bảo đảm tính công bằng cho người tham gia BHYT trước khi bắt buộc thực hiện BHYT toàn dân.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) phân tích: quyền của người tham gia BHYT là như nhau cho nên người tham gia bảo hiểm phải được hưởng dịch vụ không bị chênh lệch nhiều về chất lượng. Hiện nay không thể chối bỏ thực tế rằng nhiều đối tượng đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến.
Số đông người bệnh khám chữa bệnh trái tuyến vì nhiều lý do trong đó có lý do chính đáng là chất lượng BHYT ở tuyến dưới chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy trách nhiệm phải là ở các cơ quan chức năng đã chưa tạo được độ tin cậy trong khám chữa bệnh ở tuyến dưới, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Ví dụ trong cùng một bệnh viện khi cùng một loại bệnh, người có BHYT chỉ được uống một loại thuốc bắt buộc theo quy định BHYT còn bệnh nhân chữa bệnh tự nguyện không theo BHYT lại được cho uống nhiều loại thuốc khác.
Các đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Nguyễn Thu Hằng (Nam Định), Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cùng nhiều đại biểu khác đề nghị bỏ quy định cùng chi trả đối với người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; một số ý kiến đề nghị quy định mức cùng chi trả của cả hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và cận nghèo đều ở mức 5%.
Đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) đề xuất bỏ quy định cùng chi trả tiền khám chữa bệnh đối với những người thuộc hộ cận nghèo. Theo đại biểu phân tích thì hộ cận nghèo và hộ nghèo thức tế là rất gần nhau, khi người ở hộ cận nghèo mắc trọng bệnh thì lập tức họ sẽ trở thành hộ nghèo vì phải chi trả cho việc chữa bệnh, cho nên luật nên bỏ quy định cùng chi trả đối với đối tượng cận nghèo.
Đồng thời các đại biểu cũng đề nghị cần đưa vào luật điều khoản về khám, tư vấn dinh dưỡng và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi và không hạn chế tuyến khán chữa bệnh đối với trẻ em dưới sáu tuổi.
Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) phân tích: theo số liệu thống kê thì cứ ba trẻ em Việt Nam dưới năm tuổi lại có một trẻ bị suy dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em là đáng báo động và đây là điều đặc biệt đáng quan tâm khi chúng ta có nhiều thành công về phát triển kinh tế - xã hội. Suy dinh dưỡng là một bệnh được quy định trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế của tổ chức y tế thế giới. Dịch sởi và dịch chân tay miệng bùng phát mới đây là thí dụ điển hình về các vấn đề này. Do đó phòng ngừa suy dinh dưỡng và điều trị suy dinh dưỡng là sự đầu tư hiệu quả có thể mang lại những lợi ích to lớn cho trẻ em, gia đình và xã hội.
Đại biểu Hà Thị Lan cho biết: Nhóm trẻ em dưới sáu tuổi đã được Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em quy định khám chữa bệnh không mất tiền. Tuy nhiên luật BHYT cần xác định ưu tiên hàng đầu về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ, đó cũng là mục tiêu cấp bách hiện nay của nhà nước. Do vậy cần bảo đảm các yêu cầu về dinh dưỡng cho trẻ em một cách tốt nhất, điều này có nghĩa trẻ em cần nhận được đầy đủ các dịch vụ dự phòng và điều trị y tế về dinh dưỡng. Cần đưa dịch vụ khám tư vấn và điều trị về dinh dưỡng với trẻ em vào BHYT với cơ chế chi trả bền vững.
Nguồn: Nhandan.com.vn
Ý kiến bạn đọc