Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại Hội nghị |
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2014, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2020 đã đạt được một số kết quả như sau:
Về việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách giảm nghèo: Theo đó, Bộ LĐ-TBXH đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát 153 văn bản, trong đó tập trung vào 6 nhóm chính sách: giáo dục - đào tạo; tín dụng; y tế; hỗ trợ sinh kế (hỗ trợ phát triể sản xuất, kinh doanh; dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất); nhà ở; trợ giúp pháp lý; cơ sở hạ tầng. Trong tổng số các văn bản được rà soát, nhóm văn bản chính sách trực tiếp đến giảm nghèo là 72 văn bản, nhóm văn bản chính sách hỗ trợ vùng là 13 văn bản. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng đã phối hợp trình ban hành 06 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ban hành theo thẩm quyền 08 Thông tư, Thông tư liên tịch và 02 Quyết định các Bộ, ngành về chính sách giảm nghèo, trong đó có các lĩnh vực y tế, giáo dục, tín dụng, nhà ở, điện...
Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ LĐ-TBXH thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, trong đó có 5 chiều thiếu hụt: y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống (bao gồm nước sinh hoạt và vệ sinh) và tiếp cận thông tin, các chỉ số đo chiều thiếu hụt và ngưỡng xác định thiếu hụt; tổ chức thử nghiệm Bộ chỉ số đo lường nghèo đa chiều tại 03 xã của 03 tỉnh Thanh Hóa, Lào Cai, Trà Vinh.
Ngoài ra, các Bộ, ngành đã tổ chức 10 Đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, đánh giá sơ kết 05 năm kết quả thực hiện Nghị quyết 30a tại các địa phương, qua đó phát hiện bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện của địa phương để trình cấp có thẩm quyền có giải pháp chỉ đạo kịp thời; Các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước tiếp tục giúp đỡ các huyện nghèo, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có sự thống nhất với địa phương; Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên vận động đóng góp nguồn lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để chính sách thực sự đi vào cuộc sống và tăng cương vai trò giám sát, thực hiện chính sách.
Về kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, trong năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34,7 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở khung Nghị quyết số 80/NQ-CP, các chính sách giảm nghèo tiếp tục được bố trí kinh phí và phát huy tác dụng, hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo, người nghèo như: bố tri khoảng 12.822 tỷ đồng thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi và người cận nghèo, học sinh sinh viên; khoảng 60 ngành lao động nghèo được đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm, trong đó có trên 1.532 lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề; trên 530 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở và 700 hộ nghèo được hỗ trợ nhà phòng tránh lũ; trên 1,7 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện v.v...
Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo đặc thù cũng đã góp phần vào công tác giảm nghèo. Một số địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù như: hỗ trợ cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn về sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ 100% thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo được tiếp tục hưởng một số chính sách trong vòng 02 năm như: khám chữa bệnh, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề, giáo dục- đào tạo...
Trên cơ sở triển khai đồng bộ có hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014), đảm bảo theo kế hoạch đầu năm.
Trong năm 2015, Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo. Tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 64 huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hỗ trợ áp dụng một số cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; thực hiện Khung Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 80/NQ-CP đã được phê duyệt tại Quyết định số 1200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 76 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Quyết định 2324/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 76. Năm nay phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chỉ đạo đưa ra mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản. Cụ thể là, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3 - 4%/năm; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo; cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo được củng cố, tăng trưởng; thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị các bộ, ngành liên quan cần rà soát lại các chính sách để nâng cao tính hiệu quả của công tác giảm nghèo. Giảm bớt các chính sách “cho không”, nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo để họ có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, loại bỏ tính ỷ lại, trông chờ từ Nhà nước. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh biểu dương và đánh giá cao những hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững thời gian qua đồng thời ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương trong việc rà soát các cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện các chính sách nhằm nâng cao đời sống người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước, phát triển kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong năm 2015, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành cần tập trung triển khai các chủ trương, chính sách đã có về giảm nghèo, trong đó cần phải khắc phục cho được những tồn tại hiện nay như kết quả giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tỷ lệ tái nghèo còn cao ở một số vùng; còn sự trùng lắp, chồng chéo trong cơ chế, chính sách giảm nghèo… Tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo; triển khai xây dựng Đề án chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều; kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững; tổ chức Hội nghị sơ kết Nghị quyết 30a và một số nội dung quan trọng khác.
(Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐ-TBXH)
Ý kiến bạn đọc