Tại buổi làm việc, Thứ tưởng Nguyễn Trọng Đàm đã khái quát những nội dung cơ bản của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trong giai đoạn tới. Thứ trưởng cho biết, giai đoạn tới, Việt Nam chỉ còn hai chương trình mục tiêu QG. Trong đó, giảm nghèo vẫn sẽ là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam với 2 nội dung: cải thiện hạ tầng cơ sở của những vùng nghèo; thúc dẩy sản xuất phát triển. Chương trình giảm nghèo sẽ tập trung vào 2 nhóm vấn đề: Nhóm các chính sách giảm nghèo chung (thông qua gói hỗ trợ tín dụng với mức cao hơn; hỗ trợ giáo dục cho HSSV; hỗ trợ cho trẻ em nghèo, vùng đồng bào dân tộc; hỗ trợ vay ưu đãi làm nhà ở...); Nhóm các mục tiêu giảm nghèo sẽ xác định tập trung nguồn lực cho những vùng nghèo nhất, gồm các huyện nghèo, các xã vùng khó khăn, bãi ngang, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Lao động – TBXH đang đề xuất, trình Chính phủ thông qua Quốc hội phê chuẩn vào cuối năm nay với nguồn lực cho giảm nghèo từ khoảng 46 ngàn tỷ đồng. Trong đó sẽ tập trung xác định mô hình giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều. Hiện nay, Bộ Lao động – TBXH đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thiết kế tiêu chí chuẩn mức sống tối thiểu nhằm mục tiêu đảm bảo cho người dân tiếp cận với các gói trợ giúp xã hội, trong đó chuẩn nghèo bằng 80% mức sống tối thiểu. Đồng thời sẽ đo đếm nghèo đa chiều và người dân thiếu hụt 1/3 mức sống tối thiểu cũng được xác nhận là hộ nghèo nhằm mở rộng diện bao phủ chính sách rộng hơn giai đoạn trước. Theo dự tính, nếu xác định theo tiêu chí mới, Việt Nam sẽ có tỷ lệ hộ nghèo khoảng 17 – 19%. Hiện nay, những đề xuất của Bộ Lao động-TBXH đã được các bộ, ngành thống nhất cao và Bộ Lao động-TBXH cũng đang đề xuất Dự án thành phần hỗ trợ cho thanh niên dân tộc thiểu số, vùng nghèo đi xuất khẩu lao động.
Do vậy, vấn đề còn lại là thay đổi chính sách như thế nào để tác động vào hộ nghèo nhằm tránh dàn trải, kém hiệu quả. Thay đổi cách lập kế hoạch và phân cấp triệt để cho địa phương, thực sự trao quyền cho các địa phương quyết định sử dụng nguồn lực có hiệu quả nhất, đồng thời thay đổi cách giao kế hoạch theo năm bằng giao kế hoạch trung hạn, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành...Đây là vấn đề còn nhiều khó khăn, cần bàn bạc và có sự thống nhất chỉ đạo của Chính phủ.
Để thực hiện mục tiêu QG giảm nghèo, Việt Nam mong muốn được sự hợp tác, giúp đỡ của WB trong vấn đề nguồn lực và kinh nghiệm xây dựng chính sách...
Tại buổi làm việc, bà Victoria Kwakwa đã đánh giá cao những nỗ lực và kết quả giảm nghèo của Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời nhất trí với quan điểm của Bộ Lao động – TBXH về 2 vấn đề: chính sách giảm nghèo và chương trình thực hiện. Vấn đề là làm thế nào để hai nội dung này có tính tương thích, nhất quán với nhau.
Cần rà soát lại các chính sách để cải thiện, tăng cường chính sách trong quá khứ đồng thời dự tính cho tương lai, làm thế nào để các hộ nghèo hưởng lợi từ chương trình và hạn chế nguồn lực bị phân tán.
Cần lồng ghép các chương trình như bình đẳng giới, trẻ em...vào chính sách giảm nghèo nói chung. Thách thức là chúng ta sẽ đo đếm các chiều trong tiêu chí nghèo như thế nào.
Bà Victoria Kwakwa cũng bày tỏ thiện chí về vấn đề WB hỗ trợ nguồn lực và chính sách giảm nghèo cho Việt Nam trong thời gian tới.
Sau khi trao đổi, hai bên đã nhất trí cao về các nội dung bàn bạc, bộ phận kỹ thuật của hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị nội dung cho các buổi gặp tiếp theo.
Nguồn: http://www.molisa.gov.vn
Ý kiến bạn đọc