Sáng ngày 15/10/2015, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Uỷ ban Dân tộc, Tổ chức phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Cộng hoà Ailen (Irish Aid) tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Giảm nghèo với chủ đề: "Không để bị ai bỏ lại phía sau và hành động của Việt Nam". Tham dự Diễn đàn có bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Sơn Phước Hoan - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; bà Cait Moran - Đại sứ Cộng hoà Ailen; bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam cùng đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức phi Chính phủ, các cơ quan hữu quan và các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực giảm nghèo.
Bàn chủ tọa Diễn đàn Giảm nghèo
Nhân ngày Quốc tế xoá bỏ đói nghèo và Ngày Vì người nghèo Việt Nam (17/10), Diễn đàn được tổ chức để hưởng ứng với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, trong đó cam kết xoá bỏ tình trạng đói nghèo dưới mọi hình thức, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Việt Nam đã thể hiện mạnh mẽ cam kết trước cộng đồng quốc tế bằng quyết tâm chính trị, giải pháp và nguồn lực, do đó, nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ đã hoàn thành sớm so với kế hoạch, đặc biệt là mục tiêu về giảm nghèo.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu khai mạc Diễn đàn
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, tỷ lệ hộ nghèo Việt Nam giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,97% cuối năm 2014 góp phần ổn định xã hội, tạo điều kiện phát triển bền vững đất nước, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản tốt hơn.
Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo giới thiệu nội dung cơ bản về cách chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 tại Diễn đàn
Nhằm thực hiện cam kết trước cộng đồng quốc tế và tiếp tục phát huy những thành tựu về giảm nghèo bền vững, Chính phủ Việt Nam đã chủ động đổi mới cách tiếp cận và các giải pháp hỗ trợ với 4 nội dung chính như sau: Đổi mới phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, kém hiệu quả, đồng thời lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, ưu tiên các chính sách hỗ trợ đối phụ nữ và trẻ em nghèo, mở rộng chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở Luật Đầu tư công cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, dân tộc thiểu số theo thứ tự ưu tiên và vốn đầu tư trung hạn 5 năm cho những địa phương này; Tổ chức huy động đa dạng các nguồn lực từ cộng đồng và người nghèo.
Toàn cảnh Diễn đàn "Không để ai bị bỏ lại phía sau và hành động của Việt Nam"
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các chính sách cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; chính sách bình đẳng; cách xác định chuẩn nghèo mới; quy chế sửa đổi, bổ sung, thiết kế lại những chính sách giảm nghèo chồng chéo, v.v… nhằm đưa ra giải pháp thực hiện cam kết của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tạo điều kiện và cơ hội để không ai bị bỏ lại phía sau như thông điệp của Liên Hợp Quốc đã đưa ra gần đây.
(Nguồn: www.molisa.gov.vn)